Thói quen ngậm tăm sau khi ăn của người Việt rất nguy hiểm
Chiều ngày 31/10/2015, anh T.V.T 38 tuổi, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, do đau bụng nhiều ở vùng bụng bên trái. Anh T. lập tức được thăm khám xác định nguyên nhân gây đau. Bác sỹ thăm khám kỹ thì được biết cách đây 2 tuần, sau khi ăn cơm xong, anh T. ngậm tăm tre, sau đó vô tình nuốt tăm. Anh T. đã vào bệnh viện tỉnh, song không gắp tăm ra được nên về nhà.
Hy vọng là chiếc tăm sẽ tự tìm đường yên lành đi ra. Tuy nhiên, hơn 1 tuần sau, anh T đau nhiều ở nửa bụng bên trái và đành phải lên thành phố, vào cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM. Anh được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. X-Quang bụng đứng không thấy rõ vấn đề. Siêu âm bụng chỉ thấy có thủng ruột do dị vật. CT scan bụng chẩn đoán anh T. có dị vật xuyên thành ruột ra đến tận lớp cơ thành bụng trái, gây viêm phúc mạc khu trú ¼ thành bụng trên bên trái.
Hình ảnh chiếc tăm trong ruột a T |
Anh T. đã được Tiến sỹ - Bác sỹ Lê Quang Nhân, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện ĐHYD, phẫu thuật nội soi để xử lý dị vật. Nội soi vào ổ bụng, thấy mạc nối lớn (của ruột) dính chặt thành bụng hông trái. Gỡ dính có mủ trắng đục chảy ra. Tiếp tục phẫu tích thấy có 1 cây tăm tre đâm thủng hỗng tràng (ruột). Đường kính lỗ thủng là 5 mm. Tăm tre xuyên thủng ruột ra tới thành bụng. Bác sỹ Quang Nhân đã tiến hành lấy dị vật, khâu lại lỗ thủng. Vì làm phẫu thuật nội soi nên vết mổ nhỏ: 1 vết mổ 10mm và 2 vết mổ 5mm.
Anh T. hết đau bụng ngay sau đó, ăn uống được tốt. Vì anh đến Bệnh viện ĐHYD trễ, đã có mủ trong bụng, nên mới cần nằm viện lại vài ngày để dùng kháng sinh điều trị mủ trong bụng. Đến nay anh đã khỏe mạnh hoàn toàn và được xuất viện.
Ngậm tăm sau khi ăn là thói quen "xấu" của người Việt |
Cũng tương tự như vậy, ông Đ.Đ.Đ ở Nam Định bị que tăm dài 4 cm đâm thủng ruột do thói quen ăn xong, ngậm tăm đi ngủ. Qua phim chụp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bán tắc ruột, có dị vật trong ổ bụng cần phẫu thuật. Các bác sĩ đã lấy ra que tăm dài 4 cm đâm thẳng thành ruột non, dịch tiêu hóa thoát ra bên ngoài và tăm chui ra ngoài ổ bụng tạo ổ áp-xe khoảng 5 cm.
Người nhà cho biết ông Đ. có thói quen ăn xong ngậm tăm và đi ngủ. Ông Đ. hoàn toàn không biết mình nuốt phải que tăm vào lúc nào.
Thói quen ngậm tăm cần được loại bỏ
Chuyện dân mình ưa ngậm tăm sau khi dùng bữa. Vì thói quen đó được đa số trong cộng đồng chấp nhận, "thực hành" nên đã có không ít người quy nó vào phong tục, văn hóa dù cho các nha sĩ luôn khuyến cáo không nên dùng tăm xỉa răng, như thế sẽ làm cho nướu, chân răng dễ tổn thương, gây các chứng bệnh về răng. Nguy hiểm hơn là những trường hợp như vừa kể trên: thủng đại tràng vì giỡn tăm bằng... miệng.
Vì vậy, ngậm tăm là thói quen không hề tốt có mang lại lợi ích gì cho sức khỏe mà bạn và cả gia đình cần loại bỏ ngay.
Tăm nhọn có thể gây thủng ruột |
Lưu ý những trường hợp nuốt phải dị vật:
- Cẩn thận khi ăn cá
- Tuyệt đối bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, nhất là sau khi “nhậu”, có hơi men
- Khi nuốt phải dị vật, tránh tối đa phương pháp dân gian là nuốt cơm, uống nước nhiều cho dị vật trôi xuống. Cũng không dùng tay móc ra để tránh lại đẩy dị vật vào sâu hơn. Tốt nhất nên đến bệnh viện, vào khoa cấp cứu để được bác sỹ làm tiểu phẫu lấy dị vật ra.
- Nếu chẳng may dị vật trôi xuống sâu và gây đau, sốt, cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Hiện nay, phẫu thuật nội soi tránh xâm lấn tối đa, hầu như không đau, vết mổ nhỏ, xuất viện sớm.
Nghe lén thời công nghệ cao (Xã hội) - (Phunutoday) - Ptraker chỉ là một trong số hàng trăm phần mềm nghe lén đang được bán nhan nhản trên mạng hiện nay. |