Đau chân trái, bị mổ nhầm chân phải: dương Đông kích Tây?

12:00, Chủ nhật 09/08/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc một bệnh nhân 6 tuổi được chẩn đoán bệnh ở chân trái nhưng lại bị phẫu thuật chân phải là một câu chuyện "cười ra nước mắt".

Bản tin sức khỏe:

Thưa quý vị thưa các bạn, công việc nào cũng vậy, những sự cố nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Và ngành Y đã và đang chứng kiến rất nhiều những “bi hài kịch” như vậy.

Mới đây, một trường hợp bé trai 6 tuổi tên Hào ở Vĩnh Long được chẩn đoán bị nang hoạt dịch chân trái, phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Và khi lên đến bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, bác sĩ Vĩnh Phúc lại mổ chân phải của bé mà không cần chữ ký của người nhà bệnh nhân trước khi mổ. Khi người nhà cháu bé tá hỏa phát hiện ra thì... mọi sự đã rồi.

Sau “sự cố” này, không những các bác sĩ không nhận sai sót, xin lỗi gia đình bệnh nhân mà còn quanh co, chối tội và lớn tiếng với họ: “Gia đình biết gì mà nói, chúng tôi không hề làm sai gì?"

Trong khi vừa mới đây, ngành y đưa “xin chào”, “cảm ơn”, “xin lỗi” vào bệnh viện thì hình như những “khẩu hiệu” đó còn chưa đến được với bệnh viện này.

Mô tả ảnh.
Chân của cháu Hào sau khi bị mổ nhầm. Ảnh: Vietnamnet

Các bác sĩ ở bệnh viện còn giải thích loằng ngoằng: lỗi là do không thông báo đến gia đình rằng chân phải cũng có nang hoạt dịch, và chân phải bị nặng hơn nên phải mổ trước, vì vậy không bồi thường.

(Chân trái: Vậy tại sao không mổ luôn hai chân mà chỉ mổ một chân, còn chân trái vẫn bị bệnh mà lại để yên đấy?)

Sau khi anh Dũng (bố cháu Hào) hỏi về tình hình nang hoạt dịch ở chân trái, bác sĩ bảo không cần phải thăm khám gì nữa, từ từ sẽ hết.

(Chân trái: Thế thì mổ chân phải làm gì, cứ để từ từ rồi hết có phải hơn không?)

Điều đáng nói ở chỗ, khi gia đình tuyên bố nhờ báo chí vào cuộc thì họ lại năn nỉ, hứa là năm sau sẽ mổ nốt chân trái, không thu tiền viện phí.

(Chân trái: Ô hay, thế không phải lỗi của họ thì hứa hẹn thề thốt để làm gì?

Người thì nói năm sau mổ bù cho, người lại nói để từ từ rồi hết. Thật không biết đằng nào mà lần.)

Sự việc này giống trường hợp cách đây 2 năm, một bệnh nhân nữ 60 tuổi ở Tiền Giang bị dị tật khớp gối chân trái, dù đã được bác sĩ chỉ định mổ khớp gối chân trái nhưng sau khi phẫu thuật, bà mới tá hỏa phát hiện rằng chân phải của mình mới bị mổ. Mà cuộc phẫu thuật này lại do chính Giám đốc bệnh viện thực hiện.

Mới nghe qua sự việc, chúng ta cảm thấy rất bất bình, nhưng trên thực tế từ trước đến nay đã xảy ra rất nhiều những trường hợp tương tự, thậm chí mức độ nghiêm trọng còn lớn hơn, ví dụ:

Vụ việc cách đây một tháng ở Bình Định, bệnh nhân bị đau dây thần kinh số 5 nhưng lại bị nhổ oan gần hết hàm răng.

Những sự cố nghề nghiệp như tiêm nhầm thuốc (Nghệ An), chẩn đoán nhầm (Quảng Ngãi), cắt nhầm bàng quang (Khánh Hòa), quên gạc trong bụng (Bình Định) hay khâu ruột vào tử cung (Bình Dương), đau thận phải cắt thận trái,... là những sự cố đã từng xảy ra, khiến người bệnh thậm chí mất mạng.

Cách đây không lâu còn có trường hợp một cháu bé 8 tuổi ở Bạc Liêu đã phải cắt cụt chân do lỗi của bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

...

Chân trái: Ông thấy sợ chưa? Nghe mà run, nhỉ! “Biết đâu bất ngờ đôi ta phải rời xa nhau”

Chân phải: Ông thật chẳng biết gì. Các bác sĩ này cao tay ấn ra phết đấy!

Chân trái: Là sao?

Chân phải: Ông còn nhớ cái quảng cáo thuốc nhỏ mắt gì mà “Ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” không? Theo tôi “ngứa con mắt bên phải” thì nên “gãi con mắt bên trái” cho nó chuẩn ông ạ!

Chân trái: Ông vớ vẩn!

Chân phải: Chứ gì nữa, ông bác sĩ này chắc rất am hiểu về binh pháp tôn tử nên mới áp dụng thuật “dương Đông kích Tây” thế đấy chứ. Với lại có thể ông ấy còn rất biết nhìn xa trông rộng, đau chân này phải mổ chân kia cho chắc, đảm bảo mai sau chân đó không bị “lây” bệnh nữa.

Hôm nọ ông bạn tôi bảo còn có vụ ở Đà Nẵng, bệnh nhân nam sau khi chụp X- quang xong kết quả trả lại là “âm hộ bình thường”, nghe xong chết cười ông ạ!

Chân trái: Ông đùa quá đáng!

Chân phải: Chuyện thật luôn, bạn tôi kể thế chứ bịa làm gì. Bịa mà được tiền tôi bịa còn hay hơn í chứ.

Chân trái: Haizz, nhiều bệnh viện tỉnh bây giờ có vẻ không được “tỉnh” cho lắm ông nhỉ!

Chân phải: Ôi dào, nói mà làm gì, nhiều vụ còn nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân cơ, sai sót của bác sĩ và bệnh viện nhưng mạng sống là của bệnh nhân. Thế nhưng đâu đó vẫn có những vụ “quýt làm cam chịu” thế này, thiết nghĩ có lẽ chúng ta nên hy vọng vào “số phận”.

...

Bản tin sức khỏe xin được dừng lại tại đây, hy vọng rằng những sự cố đáng tiếc kể trên sẽ giảm đi đáng kể để những người bệnh có thể yên tâm gửi gắm sức khỏe và tính mạng bản thân cho các bác sĩ, bệnh viện.

Và vì tất cả chúng ta cần lắm những “trách nhiệm” và “lương tâm” của “từ mẫu”.

Là người khôn ngoan, đừng biến mình thành nô lệ của thị phi!
Dư luận con người cũng giống như thời tiết thay đổi bất thường. Vậy thì, cớ gì trong cuộc sống chúng ta cứ phải chạy theo những ý kiến của dư luận…
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt