Không nuôi được xin đừng đẻ ra!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nghèo đói, kém hiểu biết cộng với sự tham lam, ích kỷ khiến không ít bậc cha mẹ đang tâm vứt bỏ, hoặc hành hạ chính đứa con mình đứt ruột đẻ ra.

Năm 2009, Cà Mau: Em Hào Anh bị chủ tạt nước sôi, cầm rạch vào toàn thân, trói tay treo lên cao, bắt ăn giẻ lau nhà, giấy bẩn, uống nước tiểu của chính mình.

Năm 2010, Đồng Tháp: Bé Như Ý 9 tháng tuổi bị mẹ và ông bà ngoại cắn và đánh đập, dấu răng và lỗ thủng đầy trên người.

Năm 2010, TP HCM: Bé Lê Quang Vinh 4 tuổi bị cô giáo nhốt trong thang máy chuyển thức ăn bấm lên xuống vì biếng ăn. Toàn thân bé cọ xát với vách xi măng, đẫm máu.

Tháng 8/2013, Đồng Nai: Bé Thùy Dương 5 tuổi bị cha đập đầu vào tường, dùng cây sắt rỉ đánh bầm tím hai mắt, đầu sưng to.

Tháng 10/2013, Kon Tum: Bé Đặng Bảo Long (hơn 1 tuổi) đi nhà trẻ, lúc đón về thì bị gãy cả hai chân.

Tháng 11/2013, TP HCM: Bé Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi), bị người trông trẻ đánh đập, hành hạ dẫn đến tử vong.

TP HCM: Tháng 11/2013, bé Đức 3 tuổi bị cậu ruột châm thuốc lá đang cháy vào người, bỏ đói, đánh đập bắt đi ăn xin.

Hải Dương: Tháng 11/2013, bé Nguyễn Minh T. 6 tuổi bị cha ruột đánh gãy xương, bỏ vào bao nhấn xuống ao nước ngập nửa người do bé không nghe lời.

Kể sao hết những vụ trẻ em bị chính cha mẹ, người thân của mình đâm, đốt, đập, đánh, hãm hiếp... Danh sách những vụ bạo hành ghê sợ sẽ khiến bạn buồn nôn và không thể tiếp tục đọc nữa.

Nên đây là một danh sách thuộc loại khác:

Quảng Nam: Vợ chồng anh Đỗ Ngọc Nam (43 tuổi) và chị Huỳnh Thị Lạc (41 tuổi) có 15 đứa con, đứa lớn nhất 18, nhỏ nhất 2 tuổi. Do quá nghèo, đứa ở nhà chăn trâu thuê, đứa đi làm thuê trong Nam.

Gia Lai: Vợ chồng anh Dóc ở huyện Chư Pah năm 47 tuổi đã có 12 đứa con, chưa kể 3 đứa đã mất vì bệnh không có tiền chữa. Hiện cậu con cả đã lập gia đình và cũng tiếp nối cha sinh được 3 đứa con. Ở làng này chỉ có 96 hộ gia đình, nhưng có đến 1004 nhân khẩu, trong đó 73 hộ thuộc diện đói nghèo, phải cứu đói giáp hạt. Trung bình mỗi gia đình đẻ 10 - 12 con.

Hai địa phương khác ở Gia Lai là thôn Đak Nai và Đak Giấc (xã Đak Môn, huyện Đak Glei) tương tự. Có gia đình đã từng chết đến 5 đứa con vì đói ăn.

Quảng Bình: Năm 2009, làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch bình quân mỗi gia đình có bốn đứa con. Hầu hết trẻ học xong lớp 6 là nghỉ, đủ tuổi là lấy vợ lấy chồng. Đám con trai 14, 15 tuổi đã đi biển. Nhiều người mù chữ, khi lên ủy ban xã làm giấy tờ phải điểm chỉ chứ không biết ký tên.

Mô tả ảnh.
Dư luận đã từng căm phẫn trước vụ việc bé gái 4 tuổi bị cha mẹ ruột hành hạ dã man.

Một danh sách khác nữa:

Tháng 10/2012, Bình Dương: Sau khi tự sinh xong, một nữ công nhân 19 tuổi  bỏ con vào túi nilon cột chặt vứt vào thùng rác đặt trong khu trọ.

Tháng 11/2012, TP HCM: Một nữ sinh 15 tuổi bỏ con vào cặp học sinh, rồi vứt vào bụi cỏ tại một khu đất trống.

Tháng 12/2012,  Vũng Tàu: Một số người dân đi tập thể dục buổi sáng phát hiện một bé trai bị bỏ rơi ở bụi cây, toàn thân bị kiến bu kín, có nhiều vết do muỗi, côn trùng cắn.

Tháng 1/2013, Quảng Ngãi: Người dân đi chăn bò tìm thấy một trẻ sơ sinh bị hòn đá đè lên mặt, vứt trong bụi cây.

Tháng 1/2013, Bình Phước: Hai vợ chồng bỏ lại hai bé gái sinh đôi trong bệnh viện. Họ đã có 5 đứa con trước đó, cả hai làm thuê kiếm sống, cả gia đình sống trong căn chòi chưa đầy 7m2.

Tháng 6/2013, Bình Dương: Công nhân thu gom rác phát hiện một bé sơ sinh bị vứt trong thùng rác.

Tháng 9/2013, Hà Nội: Một phụ nữ bỏ lại con tại bến xe Giáp Bát. Sau khi được người dân đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em nuôi dưỡng, vài tháng sau người mẹ đến xin nhận lại con. Cô không có nghề nghiệp, chỉ đi làm mướn kiếm sống, có hai đứa con với hai người đàn ông, không người nào trong đó có đăng ký kết hôn và chung sống lâu dài.

Tháng 3/2015: người dân khu vực Thanh Trì (Hà Nội) phát hiện một sản phụ nằm cùng đứa trẻ đẻ rơi bên bụi chuối, dây rốn vẫn còn nối với mẹ, cả hai nằm trần trụi suốt đêm trong thời tiết lạnh giá. Sau khi được người dân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện, chỉ một ngày sau, người mẹ trốn mất. Một người đàn ông xưng là cha của bé, làm nghề xe ôm đến nhận con, nhưng thấy cháu trong tình trạng bệnh cũng bỏ trốn luôn.

Ngày 5/4/2015, Đắk Lắk: Người mẹ 33 tuổi mặc áo cưới rồi nằm trên giường tự vẫn chết, để lại hai đứa con sinh đôi ba tuổi.

Ngày 7/4/2015, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng: Hai bé sơ sinh bị vứt bỏ ngoài đầm tôm, kiến cắn đầy mình.

Vân vân...

Tôi cũng sẽ không trích báo chí nữa, vì sẽ lại tiếp tục làm bạn "buồn nôn". Nhưng vẫn liên tục có những đứa trẻ sơ sinh bị cha mẹ vứt vào bồn cầu, vào miếu hoang, vào bãi rác, trôi sông...

Những thống kê trên đủ khiến bạn nhìn ra mối liên hệ chặt chẽ giữa cái nghèo, cái dốt và cái ác. Rất ít người có học vấn, có nghề nghiệp đủ nuôi sống bản thân lại vứt bỏ, hoặc hành hạ đứa con của mình. Vậy khi còn nghèo túng, còn kém hiểu biết, tuyệt đối xin đừng đẻ con. Dư luận đang "mắng" những cô bảo mẫu tát vài cái vào mặt đứa trẻ vốn không phải ruột thịt của các cô. Thế thì những kẻ đẻ ra rồi vứt, những "con thú" dám đâm, rạch, đốt, hiếp... núm ruột của chính mình đáng bị lên án hơn nhiều.

Cũng có những lý do khác ngoài nghèo đói và kém hiểu biết là tham lam và ích kỷ. Chồng chết suy sụp quá, muốn chết theo chồng. Đẻ con lia lịa để trốn thi hành án tù. Đẻ cho vui cửa vui nhà, để sau nó nuôi mình. Sống chết đẻ đứa con trai nối dõi, có thế gia sản nhà chồng mới nắm chắc. Ít gì cũng được một mảnh đất.

Đó đều là những tính toán "ghê sợ". Thương chồng quá thì kiếm tiền để lại đủ nuôi con đến 18 tuổi rồi hẵng chết, chứ sao lại bắt người khác phải chịu trách nhiệm cho tâm hồn yếu đuối của cô? Một đứa trẻ không phải con chó con mèo để nuôi cho vui. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về mình, chớ mong bất kỳ ai nuôi hộ. Cuộc sống hiện tại miếng ăn cũng thiếu, danh giá lắm để đẻ nhiều con nối dõi?

Vui vẻ gì khi con người ta đi du lịch, còn con mình đi đánh giày? Tự hào gì khi con phải nghiến răng vượt khó học giỏi, từ bé đã thề phải bằng mọi cách thoát khỏi đời sống hiện tại? Rồi cha mẹ lại ở trong ống cống, ở trong nhà vệ sinh công cộng, hay đi bán máu để nuôi con vào đại học như nhiều "tấm gương" báo chí từng ca ngợi chăng? Ơ kìa, là cha mẹ, tại sao phải nhất quyết tạo ra khó khăn để cho con cái mình vượt qua như vậy? Đó không phải tình yêu, đó chính là sự độc ác trong vô tri.

Nhà nước cũng có đủ thứ bộ máy từ cấp xã đến cấp trung ương để chăm sóc trẻ em và gia đình. Nhưng lương họ ít lắm, còn nhiệm vụ được giao phó thì nhiều lắm. Cho nên đừng chờ mong được người khác chăm sóc, nhất thiết bạn phải tự chăm lo lấy mình. Chớ có đẻ nếu không nuôi được.

Kẻ tốt vô tâm từ câu chuyện Hào Anh, Kim Ngân
Phải chăng chúng ta đang vung vãi lòng tốt một cách vô tâm và vô tình tạo nên những bi kịch cho chính những người mà chúng ta muốn cứu giúp?
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn