Thánh Gióng đánh giặc rồi tắm ở Hồ Tây: NXB Giáo dục nói gì?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- TS Nguyễn Văn Tùng- Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam và GS Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên SGK Tiếng Việt 5) cho rằng dư luận hiểu sai vấn đề.

Gần đây, trên các diễn đàn xã hội cũng như một số báo mạng rộ lên dư luận SGK và tài liệu tiếng Việt lớp 5 cung cấp sai kiến thức cho học sinh về nhân vật Thánh Gióng.

Hai cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt và Tiếng Việt lớp 5 có đoạn văn “lạ” về sự tích Thánh Gióng.

Theo đó, nhiều phụ huynh có con em học lớp 5 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xôn xao và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về một bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm thuộc Dự án Mô hình trường tiểu học mới  - VNEN).

Cụ thể, trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, tại bài 26C “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” ở phần 1 đưa ra 2 câu hỏi (a và b) là: Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào? và việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì? Kèm theo đó là một đoạn trích của nhà văn Nguyễn Đình Thi:

“Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.

Trong khi đó, sách tiếng Việt lớp 5 ở bài học Luyện từ và câu (trang 86) cũng có đoạn văn tương tự như vậy, với lời yêu cầu: “Trong đoạn văn sau, người viết đã dùng những từ ngữ nào để chỉ nhân vật Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng)? Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?”.

Những phụ huynh này cho hay, đoạn văn trên viết về Thánh Gióng nhưng nó khác hoàn toàn với truyền thuyết và chuyện cổ tích về Thánh Gióng: Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời Hùng Vương thứ 6. Ông là “người trời” đã đầu thai xuống trần thế để giúp nhân dân ta đánh giặc Ân sang xâm lược. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn ông, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay tại quê nhà.

Họ chưa từng nghe nói đến việc Thánh Gióng đánh giặc xong ăn bữa cơm, nhảy xuống Hồ Tây tắm, ôm vết thương đó vào rừng giấu kín nỗi đau mà chết. Điều này khiến các phụ huynh rất băn khoăn.

Bài báo ngay lập tức đã được cộng đồng mạng chia sẻ với nhiều lời bình luận không mấy tốt đẹp gì. Rất nhiều người bình luận, phê phán cách làm cẩu thả của những người soạn sách. Thậm chí, có người còn nặng lời cho rằng “một sự báng bổ lịch sử mà dám đưa vào sách giáo khoa”(!).

 Đoạn trích được in trong sách Hướng dẫn tiếng Việt lớp 5 chương trình VNEN.

Đáp lại luồng ý kiến phê phán việc đưa nội dung này vào sách giáo khoa, nhiều cư dân mạng cũng đã có ý kiến trao đổi lại thoáng hơn.

Độc giả có tên Thiên Minh Nguyễn đưa ý kiến: “Trong đoạn văn này tác giả có ý diễn giải những chi tiết mang tính thần thoại trong sự tích Thánh Gióng ra những việc thực tế thôi chứ có phải kể lại sự tích Thánh Gióng đâu. Chi tiết ăn bữa cơm cuối là diễn giải việc Gióng ăn mau chóng lớn lạ thường trước khi đánh giặc. Tắm ao là diễn giải cho việc những vết chân ngựa thành những hồ ao liên tiếp. "lên ngựa đi tìm một rừng cây..." diễn giải cho việc Thánh Gióng lặng lẽ từ biệt quê hương lên ngựa về trời. Tôi thực sự rất thích cách diễn giải này, nó cung cấp cho học sinh một góc nhìn khác về câu chuyện và là ví dụ cho hoạt động suy ngẫm kỹ càng một câu chuyện hơn là việc thuộc làu một cách máy móc”.

Cũng theo độc giả này: “Gabriel José García Márquez khi viết “Tướng quân giữa mê hồn trận” (El general en su laberinto) ông gần như bị cả nước Côlômbia chửi vì tội “xuyên tạc” hình ảnh thực về người anh hùng dân tộc Bôlivia của họ. Chỉ khi một số GS sử học đáng kính lên tiếng sỉ vả và đòi "xử" thì G.J.G. Márquez mới chịu trả lời giới truyền thông rằng: “Văn chương chân chính, rất nhiều khi, không nên làm nô tài cho lịch sử, kể cả lịch sử chân chính. Sử dụng hư cấu và trí tưởng tượng là quyền năng bất khả xâm phạm của một nhà văn”.

Cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu ý kiến: Thánh Gióng là nhân vật đặc biệt có trong truyền thuyết. Truyền thuyết A nói về Thánh Gióng có chi tiết khác với truyền thuyết B là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu như truyền thuyết nói về Thánh Gióng mang tính chất lịch sử tiêu biểu thì trong các sách giáo khoa, tham khảo, các chi tiết về nhân vật nên có sự thống nhất.

Mặc dù đoạn văn trên đã được trích dẫn đúng nhưng trong sách hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, Nhà xuất bản cần phải nói rõ giữa chi tiết thay đổi, khác biệt về nhân vật Thánh Gióng và chi tiết truyền thống mà mọi người vẫn hiểu là ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Nếu trong sách có giải thích cụ thể, rõ ràng về sự khác biệt thì chắc chắn người dân, phụ huynh, học sinh, giáo viên không có nhiều ý kiến thắc mắc.

Cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, nếu hình tượng Thánh Gióng được nhân cách hóa, hư cấu như hình tượng con người, gần gũi hơn với con người cũng là điều hình thường vì đây là nhân vật trong truyền thuyết. Tuy nhiên, Thánh Gióng cũng là một nhân vật rất đặc biệt mang tính lịch sử nên chi tiết nhân cách hóa phải đắt giá và đẹp hơn trong mắt mọi người.

“Hình tượng Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” không được đẹp lắm. Nếu là nhân vật mang tính lịch sử thì trong các sách giáo khoa, tham khảo phải có sự thống nhất về chi tiết. Vì nhân vật lịch sử sẽ ăn sâu vào tâm trí, tiềm thức từ người lớn tuổi cho đến trẻ nhỏ, người già có thể kể cho con cháu họ biết về một nhân vật lịch sử nổi tiếng của dân tộc” – cô Ngô Thị Lan Anh nói.

Sách Tiếng việt lớp 5 cũng có đoạn tương tự.

Trước những thông tin này, những người có trách nhiệm đã chính thức lên tiếng. Trao đổi với báo giới, ông TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam và GS Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên SGK Tiếng Việt 5) cho rằng dư luận đã hiểu sai vấn đề.

Theo giải thích của GS Nguyễn Minh Thuyết, bài tập được bài báo nêu nằm trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 của Bộ GD&ĐT, được lấy lại từ cuốn Tiếng Việt 5, tập hai (NXB Giáo dục, 2010, tr.86). Đoạn văn trong bài tập trích từ bài viết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Đình Thi - “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” (Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập IV, NXB Văn học, 2009, tr. 148). Mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho học sinh kĩ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn.

Đoạn văn được trích thể hiện trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của nhà văn. Ngay ở câu mở đoạn, Nguyễn Đình Thi đã nói rõ là ông tưởng tượng ra một kết cục khác của câu chuyện: “Nghe truyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi...”.

Tuy vậy, phần lớn các chi tiết trong đoạn văn đều là chi tiết có trong các truyền thuyết về Thánh Gióng. Theo cuốn "Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc", NXB Thế Giới, Hà Nội, 2010 (tr.153-154) thì truyền thuyết dân gian trong vùng và bản thần tích Phù Đổng Thiên Vương hiện lưu trong đền Gióng ở làng Xuân Tảo (làng Cáo), xã Xuân Đỉnh, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội, kể rằng: “Vào ngày đầu tháng tư âm lịch, trên đường đi đánh giặc Ân về, Thánh Gióng đã dừng chân, buộc ngựa vào cây đa đầu làng, ngồi nghỉ trên một phiến đá, sau đó nhảy xuống hồ tắm mát, rồi quay lên tắm lại bằng nước giếng của làng ở chân gò Con Phượng. Dân làng bảo nhau mang cơm, cà ra dâng Thánh ăn trưa. Lúc vội vàng phi ngựa lên đỉnh Sóc Sơn để bay về trời, Đức Thánh bỏ quên thanh roi sắt bên phiến đá. Để ghi nhớ công ơn Thánh Gióng, dân làng cùng nhau lập miếu thờ”.

Như vậy, chỉ có khác biệt giữa truyền thuyết với bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Thi là theo truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời, còn Nguyễn Đình Thi cho là tráng sĩ đã hy sinh trên đất mẹ.

GS Thuyết cũng khẳng định, đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian các em vẫn nghe, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp Tiểu học.

Thực hư vụ "bóp méo" bài thơ "Thương ông" trong SGK lớp 2
Mới đây trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc khi nội dung bài thơ “Thương ông” ở sách Tiếng Việt lớp 2 bị "bóp méo" theo hướng không hay bằng.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn