10 mốc quan trọng THAI NHI mong được mẹ QUAN TÂM nhất, mẹ đừng bỏ qua kẻo tội con nha

16:56, Thứ hai 08/01/2018

( PHUNUTODAY ) - Thai nhi lớn lên từng ngày trong bụng mẹ. Trong suốt 40 tuần thai kỳ, thai nhi sẽ có những cột mốc phát triển vô cùng quan trọng. Thời điểm này, thai nhi cần được mẹ quan tâm hơn bao giờ hết, các mẹ đừng ngó lơ mà tội con nha.

Các cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi

Bạn nhận được 2 gạch đỏ? Xin chúc mừng, nhưng vui cũng chớ quên nhiệm vụ. Đã đến lúc mẹ bầu "nằm lòng" những thông tin cơ bản về sự phát triển của thai nhi. Kích thước, cân nặng của thai nhi theo từng tháng thay đổi ra sao? Đừng bỏ lỡ mẹ nhé!

Ngoài chế độ dinh dưỡng, sự phát triển của thai nhi là mối quan tâm chung của hầu hết các mẹ, nhất là những người mới “lên chức” lần đầu. Tháng này bé cưng có sự phát triển nào vượt bậc? Kích thước, cân nặng của thai nhi thay đổi như thế nào? Tất tần tận những thông tin thú vị về em bé trong bụng mẹ sẽ được cập nhật trong bài viết dưới đây. Xem ngay mẹ ơi!

su-phat-trien-cua-thai-nhi-phunutoday
 

1. Sự thụ thai

Sự thụ thai hay còn gọi là sự thụ tinh bắt đầu khi tinh trùng thâm nhập vào trứng. Sau khoảng một tuần, trứng đã thụ tinh sẽ thực hiện quá trình nhân đôi, cứ 30 tiếng hợp tử sẽ phân chia làm đôi, sau đó là 4, và tiếp tục nhân đôi không ngừng trong suốt quá trình di chuyển từ vòi trứng đến tử cung. Sau khi “gắn” vào thành tử cung, nhau thai sẽ bắt đầu được hình thành và là nơi nuôi dưỡng em bé.

2. Từ 5 – 8 tuần tuổi: Tim hoạt động

Lúc này phôi thai chỉ khoảng 1,5 cm, nhưng xương sống và hệ thần kinh nguyên thủy của con đã dần hình thành. Đặc biệt, ở tuần tuổi thứ 8, tim của bé bắt đầu hoạt động, hệ thần kinh, não bộ phát triển nhanh chóng. Mí mắt và đôi tai, ngón tay, ngón chân,cơ quan nội tạng phát triển không ngừng.

3. Tuần thứ 12 – 13: Cơ thể hoàn chỉnh

Bé dài cỡ 5cm trong tuần thứ 12. Lúc này, cơ thể con gần như hoàn thiện, gồm ngón tay và móng tay, ngón chân và tai. Đây là thời điểm quan trọng mẹ cần đi siêu âm để tầm soát dị tật qua việc đo độ mờ gáy thai nhi. Dựa vào đó, bác sĩ tiên lượng được nguy cơ hội chứng Down của thai kỳ. Nếu độ mờ gáy >3mm thì 30% là thai bị hội chứng Down.

Chú ý, cơ quan sinh dục của bé bắt đầu hình thành từ tuần thứ 9 của thai kỳ. Tuy nhiên chỉ sau tuần thứ 12, mới có sự khác biệt giữa cơ quan sinh dục của bé trai và cơ quan sinh dục của bé gái.

4. Tuần 18: Thai máy

Đây là cảm giác mà mẹ bầu nào cũng mong đợi, nó sẽ đến vào tuần thứ 18 của thai kỳ. Ở thời điểm này, bé sẽ di chuyển, nấc, co duỗi cánh tay và cẳng chân nhỏ nhắn, bé có thể đá, vặn vẹo. Nhiều người nói rằng, nó giống như một cơn gió thoảng vậy; hoặc cú máy đầu tiên của bé như cá vàng bơi lội; hoặc cảm giác đói. Sau một vài tuần đầu tiên, thai máy trở thành những cú đá mạnh và rõ ràng hơn.

5. Tuần 20: Chiều dài của bé bằng ½ lúc sơ sinh

Ở tuần thứ 20, bé dài khoảng 18cm và con chuyển động rất nhiều trong bụng mẹ. Đây cũng là thời điểm mẹ nên đi siêu âm khảo sát hình thái thai nhi. Bởi vì, nó là lúc thích hợp để bác sĩ quan sát kỹ các phần của thai nhi. Từ đó, phát hiện được những dị tật bẩm sinh nếu có. Bên cạnh đó, khảo sát về bánh nhau, nước ối…

6. Tuần 24: Bé có thể nghe

Thật thú vị phải không ạ? ở tuần thứ 24 của thai kỳ, bé có thể nghe được giọng nói bên ngoài bụng mẹ và có phản ứng với những âm thanh quen thuộc.

Chính vì vậy, mẹ nào muốn áp dụng biện pháp thai giáo bằng cách cho con nghe nhạc thì hãy bắt đầu từ thời điểm vàng này nhé!

7. Tuần 27: Thai nhi có thể thở

Bé có thể thở trong bụng mẹ dù quá trình thở này không nhận oxy thông qua phổi. Vào tuần thứ 27 của thai kỳ, phổi của bé phát triển đủ để bé có thể thở qua không khí.

8. Tuần 28: Cảm giác với mùi

Khoảng tuần 28 của thai kỳ, bé có cảm giác với mùi. Sự thật là thai nhi trong bụng mẹ lúc này có thể cảm nhận mùi y như người lớn vậy.

9. Tuần 32: Bé có thể mở mắt

Bé có thể mở mắt trong bụng mẹ ở quanh tuần thứ 32. Ngôi thai dần “lọt” xuống thời điểm này, đầu bé quay về hướng cổ tử cung của mẹ. Tuy nhiên, ngôi thai cũng sẽ có sự thay đổi. Mẹ có thể cảm nhận được những cử động rõ ràng ở bàn tay, bàn chân của trẻ. Chiều dài của bé rơi vào khoảng 35-38cm tính từ đầu tới mông và 44-55cm tính từ đầu tới chân.

10. Tuần 40: Con đã sẵn sàng chào đời

Bước vào tuần thứ 40, mẹ hãy sẵn sàng để chào đón con bất cứ lúc nào. Lúc này, con nặng khoảng 3,5kg, đầu của bé đã chuyển xuống rất thấp, chèn lên đầu cổ tử cung của mẹ. Đây là vị trí thuận lợi để đẻ thường nhưng không phải thai nhi nào cũng “ngoan ngoãn” như vậy. Mẹ cần đi siêu âm để biết chính xác vị trí em bé và tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp sinh nở an toàn nhất cho cả 2 mẹ con nhé!

Để biết được sự phát triển chi tiết của con yêu qua từng tuần và chuẩn bị cho những thay đổi trong cuộc sống, mẹ nhất định đừng quên theo dõi thêm chuỗi bài viết về mẹ bầu và thai nhi trong cùng chuyên mục nhé.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Đỗ Vân Anh