Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà nhiều kế hoạch thực hiện chính sách tiền lương trong giai đoạn 2020-2022 bị lùi lại. Đơn cử như việc mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng đã được áp dụng từ năm 2019 đến nay, thay vì tăng hằng năm theo thông lệ. Do đó, những chính sách mới về tiền lương đã được Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp hồi tháng 10, 11 vừa qua là tin vui với rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Theo Nghị quyết 69/2022 của Quốc hội thì việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ chưa thực hiện trong năm 2023. Thay vào đó, từ 1-1-2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30-12-2021 của Bộ Chính trị.
Từ 1-7- 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27; mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).