Bộ Giáo dục sai đâu sửa đấy, lời hứa tựa vàng ròng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bộ GD-ĐT hứa sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc về ban hành văn bản là nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đối với đại biểu Quốc hội khi được hỏi về việc gần đây Bộ GD-ĐT ban hành một số văn bản pháp luật “rất thiếu tính thực tế và gây phản ứng rất dữ dội trong dư luận”.

Theo Tuổi trẻ, trong văn bản được công bố ngày 30/9, ông Phạm Vũ Luận lý giải việc Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành thông tư 24 bổ sung chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đối với người có công với cách mạng và con của họ nhằm “thực hiện chủ trương đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng, đảm bảo cơ hội và quyền lợi học tập suốt đời của người dân”. Việc đưa bà mẹ Việt Nam anh hùng vào đối tượng được ưu tiên trong thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ xuất phát từ việc ban soạn thảo mong muốn “văn bản phải mang tính bao quát tổng thể”, nên đã quy định đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh “mặc dù không trái với pháp lệnh và nghị định trên nhưng chưa phù hợp với thực tế ở nước ta”.

Trước phản hồi của dư luận, Bộ GD-ĐT đã tiếp thu, điều chỉnh kịp thời bằng việc ban hành thông tư bãi bỏ quy định với những đối tượng ưu tiên không phù hợp với thực tế hiện nay tại thông tư 24. Từ điều chỉnh cụ thể này, Bộ GD-ĐT đã “rút kinh nghiệm sâu sắc về soạn thảo, thẩm định và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”.

Bộ GD-ĐT đang đi đầu trong công tác rút kinh nghiệm ban hành văn bản

Ở Việt Nam, chất lượng văn bản được xem là một vấn đề rất đáng lo ngại khi trong thời gian vừa qua, hàng loạt văn bản được các cơ quan chức năng ban hành đã bị than phiền là những văn bản trên trời, thiếu tính thực tiễn. Chính vì vậy mà việc Bộ Giáo dục hứa rút kinh nghiệm sâu sắc quả khiến cho dư luận thở phào nhẹ nhõm, quả xứng là một lời hứa vàng ròng.

Cứ nhìn quanh nhìn quất mà xem, thời gian qua đã có bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật... trên trời khiến người dân mắt chữ O mồm chữ A, chẳng biết phải hiểu như thế nào cho đúng. Theo thống kê, chỉ trong 8 tháng qua, chúng ta đã có 4.178 / 252.798 văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính hợp pháp do các cơ quan chức năng từ cấp Trung ương tới các cấp địa phương ban hành. Sợ chưa nào, thống kê của ngành Tư pháp thì cấm có sai vào đâu được rồi. Thế nên người dân ra đường bị hành là chính thì cũng đừng than thân trách phận, ai ai cũng như thế cả thôi.

Nói đâu xa, dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô…do Bộ Y tế và Bộ GTVT ban hành, để tham gia thi lấy bằng lái ô tô, xe máy, người dân cần phải vượt qua 83 tiêu chuẩn về sức khỏe.

Trong đó, có những tiêu chuẩn kỳ lạ như: Muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy 50 cm3 trở lên (bằng lái A1, B1) thì bộ ngực phải đảm bảo có số đo không dưới 72 cm đã khiến dư luận không khỏi xôn xao thắc mắc. Sự việc càng được chú ý hơn khi chính quy định này đã được bộ Y tế đưa ra vào năm 2008 nhưng do sự phản ứng quá lớn từ phía dư luận và bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tuýt còi nên đã nhanh chóng bị hủy bỏ. Rồi một ngày đẹp trời, dự thảo văn bản lại được khai quật, khiến ai ai đọc qua cũng lén lút ngó xuống vòng 1, sợ không đủ tiêu chuẩn lái xe. Và dự thảo lại tiếp tục được rút xuống, không ai chắc khi nào lại được quật lên.

Liên tiếp các văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra chứng minh chân lý ở Việt Nam không có gì là không thể. Cũng chẳng xa xôi gì, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình… bảo vệ lỗ tai của các ông chồng, bà vợ tới mức quy định rõ ràng phạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với chồng có hành chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình hoặc ngược lại. Ai cần biết thế nào là chì chiết, đã là bảo vệ thì phải tin, tố sao xử vậy, Việt Nam linh động, năng động, linh hoạt... là thế sao?  Mà muốn chắc chắn không bị phạt thì nên im mồm, im miệng, được như thế chắc chắn đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Dù những văn bản trên sau đó đã được rút xuống trong im lặng nhưng ai mà biết... Cứ như Bộ Giáo dục mau mắn sửa sai và hứa rút kinh nghiệm rõ ràng thì người dân còn có cơ sở mà tin. Mong Bộ Giáo dục tổ chức phối hợp với các Bộ, ngành,  mở lớp rút kinh nghiệm khi ban hành văn bản.. trên trời để người dân đỡ phải lo ra đường... nhòm ngực, về nhà tắt tiếng trước vợ con.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn