3 điều quan trọng giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung

20:46, Chủ nhật 03/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Để giảm thiểu nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, bạn cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, khám tầm soát ung thư theo định kì và tiêm vaccin phòng ngừa bệnh...

Mới đây công ty em tổ chức khám sức khỏe. Theo các bác sĩ sản khoa tư vấn thì chị em phụ nên làm xét nghiệm một số loại ung thư phụ khoa như ung thư buồng trứng, ung thư vú, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.

Em đã đọc được nhiều thông tin về ung thư vú, ung thư buồng trứng hưng lại chưa có nhiều hiểu biết về ung thư cổ tử cung. Nghe lời tư vấn của bác sĩ, em đã làm xét nghiệm kiểm tra ung thư cổ tử cungkết quả là âm tính.

Như vậy, rất may mắn là em chưa có nguy cơ bị bệnh. Em muốn hỏi bác sĩ, làm cách nào để giảm thiểu nguy cơ bị bệnh này. Mong bác sĩ tư vấn giúp em để em biết cách phòng bệnh. Em xin cảm ơn!

 (Thanh Hà)

Bạn Thanh Hà thân mến,

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có 500.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới mắc và 250.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này trên toàn cầu. Ung thư cổ tử cung là một trong hai dạng ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy bệnh này rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nhưng cũng có thể phòng tránh được nếu biết cách.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung bao gồm: nhiễm trùng cổ tử cung bởi virus human papilloma (HPV), quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình hoặc bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều người, hút thuốc lá, suy giảm hệ thống miễn dịch, sinh nở nhiều lần, quan hệ tình dục không dùng bao cao su...

3 điều cần làm để giảm thiểu nguy cơ ung thư cổ tử cung
3 điều cần làm để giảm thiểu nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa

Để giảm thiểu nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, bạn hãy tránh xa những nguyên nhân nói trên. Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số điều vô cùng quan trọng sau đây:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng: Hãy ăn nhiều các loại thực phẩm có chất chống oxy hóa cao, ví dụ như các nhóm vitamin A, C, E và canxi... để bảo vệ các tế bào ở cổ tử cung khỏi bị các gốc tự do làm ảnh hưởng, phòng ngừa ung thư. Một số loại thực phẩm có khả năng chống ung thư, vô hiệu hóa ảnh hưởng của các gốc tự do làm thúc đẩy sự phát triển ung thư cổ tử cung.

Tránh hút thuốc, uống nhiều rượu để giảm nguy cơ làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể. Tình trạng nhiễm HPV kéo dài lâu hơn ở những phụ nữ hút thuốc, uống rượu. Điều này làm tăng rủi ro mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

- Tiêm vaccin phòng ung thư cổ tử cung: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các cơ quan y tế công cộng tại Úc, Canada, Châu Âu và Hoa Kỳ luôn khuyến khích các phụ nữ trẻ nên chủng ngừa để phòng tiền ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, có hai loại vắc xin phòng ngừa HPV là Gardasil (phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ do nhiễm virus HPV type 6, 11, 16 và 18 được cấp phép sử dụng cho nữ từ 9 - 26 tuổi) và Cervarix (phòng ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV type 16 và 18 được khuyến cáo sử dụng cho nữ từ 10 - 55 tuổi).

- Khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư cổ tử cung theo quy định: Khám phụ khoa hàng năm là điều cần thiết đối với bất kì chị em nào. Nó giúp chị em sớm phát hiện các bất thường ở cơ quan sinh sản. Ngoài ra, xét nghiệm Pap (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) là việc cần làm để phát hiện các tế bào ung thư ở cổ tử cung ngay ở giai đoạn sớm. Xét nghiệm Pap vẫn cần duy trì cho tất cả các phụ nữ, ngay cả đối với những phụ nữ đã được tiêm ngừa vắc xin HPV.

Bạn nên bắt đầu thực hiện xét nghiệm Pap bắt đầu từ tuổi 21, hoặc trong vòng 3 năm sau lần quan hệ tình dục đầu tiên ngay cả đối với người nhỏ hơn 21 tuổi. Thời điểm ngưng không thực hiện xét nghiệm Pap là 70 tuổi.

Ngoài ra, bạn hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ hoặc đi khám khi thấy có những dấu hiệu lạ ở cơ quan sinh sản, ví dụ như thay đổi ở kinh nguyệt, dịch âm đạo... để phòng bệnh tốt nhất nhé.

Chúc bạn vui, khỏe!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link