Chế độ hưu trí là một trong những chế độ quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội. Những đồng lương hưu giúp người ngoài độ tuổi lao động có thể sống khoẻ, an yên, ít phụ thuộc vào gia đình, không là gánh nặng cho xã hội. Vậy, liệu có trường hợp nào người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng? Sau khi tạm dừng thì có được hưởng tiếp không?
Trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng.
Những trường hợp này được quy định cụ thể tại Ðiều 64 Luật Bảo hiểm xã hội
1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất cảnh trái phép;
b) Bị Tòa án tuyên bố là mất tích;
c) Có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.
2. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú. Trường hợp có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì ngoài việc tiếp tục được hưởng lương hưu, trợ cấp còn được truy lĩnh tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng kể từ thời điểm dừng hưởng.
3. Cơ quan bảo hiểm xã hội khi quyết định tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Ðiều này phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định giải quyết hưởng; trường hợp quyết định chấm dứt hưởng bảo hiểm xã hội thì phải nêu rõ lý do.
Như vậy có 3 trường hợp bị ngừng hưởng lương hưu đó là: Xuất cảnh trái phép; bị Tòa án tuyên bố là mất tích; có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường hợp đầu được khôi phục chế độ hưởng khi trở về trạng thái ban đầu và được truy lĩnh tiền lương hưu trong giai đoạn gián đoạn.
2. Quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu
Một bạn đọc có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một bệnh viện huyện. Mới đây, khi lên thị xã (cùng tỉnh) chơi, họ bị viêm ruột thừa cấp cho nên được đưa vào bệnh viện thị xã ở gần (không có giấy chuyển viện). Tại bệnh viện, họ đã được khám, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa và nằm điều trị. Vậy trong trường hợp này bạn đọc đó có được chi trả theo chế độ bảo hiểm y tế không?
Theo quy định tại khoản 4 Ðiều 22 Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Trường hợp này, người bệnh được hưởng quyền lợi như khi khám bệnh, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
Theo quy định này, trường hợp bạn đọc có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một bệnh viện tuyến huyện, đi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện thị xã (là cơ sở y tế công lập, tuyến huyện và cùng nằm trên địa bàn tỉnh) để phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa và thực hiện đầy đủ thủ tục khi đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì sẽ được hưởng quyền lợi như đi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện huyện đó là được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế và mức hưởng ghi trên thẻ của bạn.