Theo nghiên cứu gần đây, cha mẹ chỉ có trung bình 12,5 phút mỗi ngày để trò chuyện với con của mình. Trong đó, 8,5 phút cha mẹ thường dành để buộc tội, cấm đoán con và chỉ dùng 4 phút còn lại để trò chuyện thân mật vui vẻ.
Jamie Harrington, một nhà văn, đồng thời cũng là mẹ của một cô con gái tuổi teen đã nói rằng: “Điều quan trọng là cha mẹ phải theo sát từng giai đoạn phát triển của con mình, đừng bỏ lỡ nó vì không ai có thể quay ngược lại quá khứ”.
Vì vậy mỗi ngày, Jamie đều trò chuyện cùng con của mình. Cô lắng nghe tất cả những gì con muốn nói: "Điều này không có nghĩa là tôi đã tạo ra được mối quan hệ sâu sắc giữa mẹ và con gái. Vì tôi thường xuyên nhận được câu trả lời bằng một từ “OK”. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có một cuộc trò chuyện thú vị từ những câu hỏi quan trọng. Rồi dần dần, tôi nhận ra những câu hỏi đó và dùng nó để hỏi con mỗi ngày. Và tôi luôn dành thời gian để nghe câu trả lời từ con của mình".
Jamie cũng đưa ra lời khuyên cho các cha mẹ là:“Hãy hỏi con của bạn bằng câu hỏi mở để con không thể trả lời bằng một từ đơn giản như “có” hoặc “không”. Điều này khuyến khích con thể hiện cảm xúc của mình và cha mẹ có thể đánh giá được suy nghĩ và hiểu con hơn”. Vậy những câu hỏi kỳ diệu đó là gì? Ngày hôm nay của con diễn ra như thế nào?
Nếu như cha mẹ hỏi một điều gì đó mà con không muốn trả lời, hoặc miễn cưỡng trả lời cho có theo kiểu cộc lốc như “tốt”, “vui” hoặc “mọi thứ đều tốt” thì bạn không nên yêu cầu từ con một câu trả lời hoàn chỉnh. Lúc này, cha mẹ hãy kể con nghe về một ngày mà mình đã trải qua, về những điều bạn đã học được, làm được, những điều bạn thích. Việc này "biến" cha mẹ thành một hình mẫu tốt để con noi theo, gián tiếp khuyến khích con chia sẻ về một ngày của mình. Có chuyện gì với bạn bè của con không?
Cha mẹ có thể hỏi con về một người bạn cụ thể, hoặc đặt câu hỏi về bạn bè của con một cách chung chung. Điều này sẽ giúp con tin tưởng cha mẹ hơn và sẽ kể cho cha mẹ biết một tình huống khó khăn nào đó mà con đang phải đối mặt. Chuyện gì đang xảy ra với con thế?
Đôi khi cha mẹ hứa rồi lại quên nên con giận dỗi, hoặc trời mưa bão nên con không được đi chơi… Đây là những điều làm ảnh hưởng đến tâm trạng của trẻ. Trong trường hợp này cha mẹ nên động viên con. Cả gia đình có thể cùng đi xem phim hoặc chơi một trò chơi tại nhà. Các hoạt động vui vẻ sẽ giúp con thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực như ấm ức, buồn chán cho đầu óc con được thư giãn. Con có cần cha mẹ giúp gì không?
Hầu hết chúng ta đều thấy khó khăn khi nhờ sự giúp đỡ của một ai đó. Một đứa trẻ thường xuyên không nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ thì khi gặp tình huống khó khăn con sẽ im lặng chịu đựng một mình. Vì thế, cha mẹ hãy luôn giúp đỡ con khi con nhờ phụ dọn dẹp phòng hay giảng cho con hiểu bài tập toán về nhà. Đừng ngần ngại khi hỏi câu hỏi này với con. Trong thực tế, nhu cầu cần được giúp đỡ của con cho thấy cha mẹ chính là người mà con cần nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn làm hết mọi thứ cho con. Cái gì cũng cần có giới hạn. Song song với bốn câu hỏi lớn thì trong quá trình nói chuyện cùng con, cha mẹ hãy cố gắng không ngắt ngang lời, làm gián đoạn câu chuyện mà con đang kể. Hãy cho con ý kiến khi con hỏi. Và đừng bao giờ quên ôm hoặc cầm tay con khi trò chuyện. Nếu bạn đang có một tâm trạng không tốt hoặc chỉ đơn giản là không muốn nghe con nói chuyện vào lúc này thì hãy nói cho con biết lý do và hẹn thời gian cụ thể rõ ràng khi nào cha mẹ có thể nói chuyện với con được.