Việc lừa đảo qua Facebook không còn quá xa lạ với mọi người. Dù được cảnh báo khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn có người bị mất một số tiền lớn bởi những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo trên Facebook mà bạn cần phải cảnh giác.
Các liên kết đến trang web giả mạo
Kẻ lừa đảo thường gửi cho nạn nhân một liên kết đến trang web giả mạo, đa số sẽ là trang đăng nhập. Đây là thủ đoạn lừa đảo khá phổ biến. Chỉ cần nhập thông tin theo yêu cầu, nạn nhân sẽ mất thông tin cá nhân, thông tin tài khoản thậm chí cả tiền trong tài khoản.
Người dùng cần phải lưu ý rằng Facebook không bao giờ gửi yêu cầu "xác minh tài khoản" trước khi nhấp vào liên kết.
Ngoài ra, khi nhận các liên kết này, bạn có thể thấy rằng các URL (đường dẫn liên kết đến website) thường có lỗi chính tả; các tùy chọn ngôn ngữ trên trang web không chính xác với khu vực của người dùng. Kéo xuống phía chân trang, các thông tin cũng không chính xác.
Nếu đường link là trang đăng nhập của Facebook, bạn có thể thấy trang web lừa đảo sử dụng tên công ty là Facebook Inc. Tuy nhiên, người dùng cần phải lưu ý rằng từ năm 2022, công ty của Facebook đã đổi tên thành Meta ©.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng ảnh chụp màn hình của trang web thực thay vì kỳ công xây dựng trang web giả mạo.
Khi nhận được một đường link lạ nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, lừa đảo, bạn không nên nhấp vào bất cứ thứ gì.
Nếu nhận được các đường link yêu cầu đăng nhập, bạn cần phải bình tĩnh kiểm tra xem đó có phải link chính thức của các cơ quan, tổ chức hay không (ví dụ như link đăng nhập Facebook, website của các ngân hàng...). Chất lượng hình ảnh thấp, mờ trên trang web cũng là một dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang gặp phải trang giả mạo.
Thông báo trúng thưởng
Lừa đảo bằng việc trúng thưởng là hình thức khá phổ biến ở Việt Nam. Người dùng có thể nhận được tin nhắn trúng một giải thưởng lớn nào đó. Tuy nhiên, đây chính là cái bẫy mà kẻ lừa đảo giăng ra để chờ con mồi "cắn câu". Chúng sẽ yêu cầu nạn nhân trả phí thành viên hoặc tham dự hay chia sẻ các thông tin cá nhân để được nhận thưởng.
Khi nhận được các tin nhắn thông báo trúng thưởng, bạn cần phải chú ý: Nội dung thường viết sai chính tả, ngữ pháp, sử dụng các font chữ lạ. Các tin nhắn có thể chứa cả liên kết giả mạo. Kẻ lừa đảo sẽ thông báo với nạn nhân đây là web chính thức của công ty, thương hiệu và cần phải truy cập vào để đăng nhập, nhận thường. Mặc dù đường link có thể trông rất giống đường link chính thức nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy chúng thường bị sai chính tả.
Cuộc gọi lừa đảo deepfake
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra những video, hình ảnh giả để mạo danh người thân, bạn bè của nạn nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công nghệ deepfake này có thể khiến các nạn nhân mất cảnh giác và rất dễ rơi vào bẫy.
Theo Cục An toàn thông tin, có 5 dấu hiệu giúp mọi người nhận biết với các cuộc gọi sử dụng deepfake.
- Thời gian cuộc gọi ngắn, có thể chỉ diễn ra trong vài giây.
- Do là hình ảnh giả được AI tạo ra nên khuôn mặt của người gọi thường thiếu cảm xúc, bị đơ, tư thế thiếu tự nhiên, hướng đầu và cơ thể có thể không nhất quán.
- Quan sát kỹ hình ảnh, bạn có thể thấy màu da của người gọi bất thường, ánh sáng kỳ lạ, bóng đổ không đúng vị trí. Nhìn chung, các cuộc gọi video sử dụng deepfake thường trông giả và thiếu tự nhiên.
- Âm thanh của cuộc gọi không đồng nhất với hình ảnh. Kẻ lừa đảo có thể tạo thêm tiếng nhạc ồn vào trong clip hoặc clip không có âm thanh.
- Các cuộc gọi bị ngắt máy giữa chừng với lý do sóng yếu, mất sóng.
Dọa người dùng bị hacker tấn công
Đây cũng là một chiêu thức lừa đảo khá phổ biến trên mạng xã hội hiện nay. Kẻ xấu sẽ nói rằng tài khoản của bạn bị hacker tấn công hoặc sắp bị xóa. Chúng sẽ giúp bạn lấy lại tài khoản. Tuy nhiên, bạn sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân.
Ngay khi lấy được thông tin cá nhân, bạn sẽ bị mất Facebook và nhiều thông tin quan trọng khác.
Khi gặp phải những tình huống bất thường, có các dấu hiệu lừa đảo, bạn không được ấn vào các liên kết, nên xóa và hủy kết bạn Facebook với các đối tượng đưa ra yêu cầu. Có thể đổi mật khẩu Facebook, tăng cường bảo mật 2 lớp để bảo vệ tài khoản của mình.