Khuyến khích và hoan nghênh con thử
Trẻ nhỏ thường thích khám phá và tự làm mọi thứ mà không cần cha mẹ giúp đỡ. Chẳng hạn, trẻ lắp ráp câu đố hoặc tự mặc quần áo. Cha mẹ tốt nhất nên phát triển ý thức của trẻ về quyền tự quyết.
Trẻ có thể làm sai nhưng điều đó giúp trẻ rút ra bài học và hiểu tác động của hành vi đó đến thế giới xung quanh. Điều quan trọng vẫn là sự đồng hành và hướng dẫn của cha mẹ, quan tâm và để trẻ học cách tự làm mọi việc trong phạm vi an toàn.
Cho trẻ tiếp xúc với nhiều người
Ngoài những người thân quen với trẻ như ông bà, cô dì chú bác và bạn bè, cha mẹ nên cố gắng cho con cái tiếp xúc đa dạng môi trường nhất có thể từ khi trẻ còn nhỏ.
Nghiên cứu năm 2011 của ĐH Washington (Mỹ) cho thấy những đứa trẻ thường xuyên tương tác với người nói các ngôn ngữ khác nhau giúp chúng duy trì hệ thống dây thần kinh quan trọng trong não giúp chúng học đa ngôn ngữ trong tương lai.
Năm 2007 cũng có một nghiên cứu khác cho thấy những đứa trẻ nhìn thấy nhiều khuôn mặt đa dạng có khả năng ghi nhớ tốt hơn, phân biệt nhiều khuôn mặt hơn khi trưởng thành.
Chỉ khen/chê hành động chứ không đánh giá con người
Nếu như con trai đánh vào đầu con gái, thay vì đánh giá “con là đứa trẻ hư” thì cha mẹ chỉ nên phê bình hành động của bé trai vì đã làm tổn thương em gái. Sau đó yêu cầu trẻ xin lỗi. Điều này cũng áp dụng tương tự như việc khen ngợi.
Không nên gọi con là “đứa trẻ ngoan” mà hãy khen riêng hành động đúng của con. Như vậy sẽ hình thành trong trí óc các con khái niệm hữu ích hơn về hành động của cá nhân trẻ, tránh áp đặt định kiến về tính cách chỉ thông qua 1 tình huống.
Giải thích và nói chuyện với trẻ nhiều hơn
Những đứa trẻ thích hỏi “Tại sao?” có thể khiến cha mẹ thấy mệt mỏi nhưng nếu cha mẹ giải thích chúng sẽ ghi nhớ thông tin và kích thích trẻ không ngừng suy đoán trước những điều mới. Khi trẻ lặp đi lặp lại quá trình này, bộ não của trẻ hoạt động hiệu quả hơn. Cha mẹ sẽ là người hướng dẫn viên đưa con khám phá thế giới, chỉ dẫn và giải thích cho con về những điều mới.
Theo nghiên cứu, khi mới vài tháng tuổi dù trẻ không hiểu nghĩa của các từ cha mẹ nói thì não bộ vẫn ghi nhớ chúng. Nhờ đó mà xây dựng được nền tảng thần kinh cho việc học tập sau này. Vậy nên trẻ càng nghe được nhiều từ thì hiệu quả càng cao, khi lớn hơn trẻ có vốn từ vựng và khả năng đọc hiểu tốt hơn.
Cha mẹ hãy là “người làm vườn” chứ không phải “thợ mộc”
Từ một khúc gỗ người thợ mộc có thể tạo ra bất cứ hình thù nào họ muốn. Nhưng người làm vườn sẽ giúp cây cối tự phát triển bằng cách trồng trọt theo hướng phù hợp cho cây.
Thay vì ép con mình ngành nghệ sĩ nọ, doanh nhân kia,… theo ý mình thì cha mẹ nên tạo một môi trường khuyến khích sự phát triển lành mạnh theo hướng mà trẻ chọn.
Chẳng hạn như khơi gợi sự quan tâm của con cái xem liệu chúng có thích âm nhạc hay không thay vì bắt chúng phải theo học. Điều này có thể gây phản tác dụng, khiến trẻ trở nên chán ghét âm nhạc dù trước đó không như vậy.
Là cha mẹ hãy hiểu con như người làm vườn hiểu những cái cây của mình. Lựa chọn “đất”, “phân bón”,… phù hợp thì chúng sẽ phát triển đúng cách.