Có không ít các bậc cha mẹ nghĩ rằng là quá sớm để dạy cho trẻ về những giá trị sống khi chúng mới chỉ biết đi hoặc vẫn còn đang học mẫu giáo. Nhưng trên thực tế, đó lại là một quan niệm vô cùng sai lầm, cần phải thay đổi ngay. Bởi giá trị cuộc sống chính là điều cốt lõi để hình thành nên nhân cách của trẻ. Nếu trẻ có thể hiểu được những giá trị sống quan trọng này thì đi tới đâu cũng sẽ được mọi người yêu mến và giúp đỡ. Chính vì vậy, mọi bậc cha mẹ cần phải đảm bảo con học được những điều này từ khi còn nhỏ, đặc biệt là thời gian trước khi lên 5 tuổi.
1. Tình yêu thương
Các cha mẹ thường có xu hướng cho rằng trẻ em sẽ có thể tự biết cách yêu thương và không có gì phải ngần ngại để thể hiện tình cảm đó. Điều này đúng, nhưng để tình yêu thương ấy được "lớn lên" thì chúng cần nhận được hồi đáp. Nhưng thật đáng buồn khi sau một ngày làm việc bận rộn, câu "Bố/Mẹ yêu con” lại là lời nói mà bố mẹ sẽ ít nói với nhất. Để con học về tình yêu thương, hãy thể hiện cho con cách bạn biểu hiện tình yêu và tình cảm đối với mọi người xung quanh như thế nào, nhất là đối với con. Và tất nhiên, đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà bạn không thể hiện tình cảm của mình cho con.
Ngoài cách thể hiện tình cảm một cách trực tiếp, bạn cũng có thể thể hiện tình yêu thương một cách bất ngờ như dán một tờ ghi chú vào hộp cơm trưa của đứa bé, dán một trái tim vào gương phòng tắm để đứa bé thấy nó khi đang đánh răng hay cho con một cái ôm mà không vì bất kì lý do nào cả. Chắc chắn, nếu như bạn càng nói “Bố/Mẹ yêu con” với con của bạn, đứa bé sẽ càng nói “Con yêu bố/mẹ” nhiều hơn. Càng thể hiện nhiều cái ôm với trẻ thì ngôi nhà của bạn sẽ càng ngập tràn tình yêu thương. Yêu thương chính là giá trị lớn nhất trong mọi giá trị của cuộc sống.
2. Sự quyết tâm
Quyết tâm là một trong những giá trị mà bạn nên khuyến khích cho con mình từ khi chúng còn rất nhỏ. Để con học được sự quyết tâm thì cách dễ nhất để là tránh những lời khen ngợi quá mức. Bạn hãy dành cho trẻ những phản hồi trung thực được truyền tải một cách nhẹ nhàng và đầy tính xây dựng hơn và khen cho có hay quá đà. Ngoài ra, bạn cũng có thể khuyến khích trẻ làm những việc không mấy dễ dàng và khen ngợi chúng vì sự chủ động. Nếu con của bạn thể hiện sự nhút nhát, hãy cố gắng khuyến khích trẻ làm quen với những bạn nhỏ khác trên sân chơi.
Trong trường hợp con bạn thể hiện sự cáu kỉnh đối với một sự việc hay sự vật nào đó, bạn hãy dạy con cách để giữ tâm trạng bình tĩnh không nên nóng giận, chẳng hạn như đếm mười giây hay hít thở sâu. Hãy cố gắng khen ngợi trẻ khi chúng được giao làm những công việc khó khăn hơn so với khả năng. Những đứa trẻ khi được nghe “Con làm tốt lắm, mẹ biết điều đó rất khó khăn”, sẽ có thể trở thành nguồn sức mạnh to lớn bởi sự công nhận và trở nên quyết tâm hơn để cố gắng thực hiện các công việc khác trong tương lai.
3. Sự công bằng
Để giúp trẻ có thể tiếp thu ý nghĩa thực sự của sự công bằng, cha mẹ cần khuyến khích chúng thực hiện một số hành động để khắc phục lỗi sai mà bản thân phạm phải. Trong đó, việc nói xin lỗi là một hành động khá dễ dàng cho một đứa trẻ và nó cho phép con thoát khỏi những lỗi lầm mà không bắt buộc phải suy nghĩ gì. Ngoài ra, cũng có những đứa trẻ có cách sửa lỗi sai bằng một cách chủ động hơn nhiều. Chẳng hạn như, trẻ có thể đưa một trong những chiếc xe đồ chơi của mình cho đứa trẻ khác bị con làm hư đồ chơi. Hoặc có trẻ sẽ vẽ một bức tranh cho em mình sau khi đã trêu chọc em cả ngày.
Bằng cách khuyến khích con thực hiện những cử chỉ như vậy, bạn đã có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử với mọi người một cách công bằng – một giá trị thiết yếu mà một ngày nào đó sẽ giúp con xử lý tốt trong thế giới phức tạp các mối quan hệ.
4. Trung thực
Đức tính thật thà, trung thực là một trong những đức tính quan trọng và cốt lõi giúp hình thành nhân cách cho trẻ. Bởi đó chính là chìa khóa cho trẻ bước vào cuộc đời trong tâm thế của con người biết sống chân thành, tôn trọng bản thân, tôn trọng lẽ phải thay vì sự dối trá. Và ba mẹ phải giúp cho trẻ thấm nhuần những đức tính này từ khi còn nhỏ.
Khi trẻ quá nhỏ để có thể hiểu được lòng trung thực là gì thì những câu chuyện kể sẽ giúp trẻ dễ nhớ và hình thành những quan điểm đầu tiên về lòng trung thực. Ví dụ, tầm quan trọng của hành vi trung thực hay những mất mát khi ai đó nói dối.