5 loại cây cảnh cho hoa đẹp nhưng có độc, cẩn thận khi trồng trong nhà

23:52, Thứ ba 01/04/2025

( PHUNUTODAY ) - Những loại cây cảnh này có hoa đẹp, bắt mắt nhưng bản thân chúng có chứa chất độc, có thể gây ngộ độc cho con người và động vật nếu vô tình ăn phải.

Theo Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban Ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM) chia sẻ trên VnExpress, việc trồng cây cảnh trong nhà có nhiều công dụng như làm đẹp, thanh lọc không khí, mang lại sự thư giãn. Tuy nhiên, khi trồng cây cảnh, chúng ta cần chú ý để nhận biết một số loại cây có chứa độc tố. Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ, nuôi thú cưng không nên trồng những cây này.

Theo bác sĩ Vũ chia sẻ thêm, có loài cây khi ăn vào mới gây độc cho con người nhưng cũng có loại chỉ cần chạm vào nhựa là đã gây kích ứng da, niêm mạc dữ dội với các biểu hiện như ngứa, đỏ, sưng, bỏng rát... Nếu để nhựa cây bắn vào mắt thì rất nguy hiểm.

Dưới đây là 5 loại cây cảnh có độc mà bạn nên cân nhắc kỹ trước khi trồng trong nhà.

Cây hoa ly lửa

Cây hoa ly lửa còn được gọi với một số cái tên khác như cây ngót nghẻo, ngọt nghẽo, loa kèm lửa, huệ lồng đèn, hoa móng hổ... Cây này thuộc họ bả chó, họ tỏi độc. Tất cả các bộ phận của cây đề chứa chất độc có thể gây nguy hiểm tính mạng của con người và động vật.

Phần rễ củ của cây hoa ly lửa có chứa nhiều độc tố colchicine, alkaloid gloriocine. Sau khoảng 2 giờ trúng độc, nạn nhân sẽ có các biểu hiện như buồn nôn mửa, ngứa ran xung quanh miệng, tê bì, rát cổ họng, đau bụng. Người bệnh có thể tiêu chảy ra máu và dẫn tới mất nước.

Chất độc này khi tiến triển trong cơ thể sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như tắc ruột, tiêu cơ vân, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, co giật. Đặc biệt, nó có thể khiến con người rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương đa thần kinh.

Cây hoa ly lửa (bên trái) và cây trúc đào tuy có hoa đẹp nhưng các bộ phận của cây lại chứa chất độc, có thể gây ngộ độc đối với con người.
Cây hoa ly lửa (bên trái) và cây trúc đào tuy có hoa đẹp nhưng các bộ phận của cây lại chứa chất độc, có thể gây ngộ độc đối với con người.

Cây trúc đào

Cây trúc đào rất độc. Phần nhựa của cây rất đắng và độc. Nó chứa acid hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin. Từ xa xưa, người ta đã nhận biết được rằng cây trúc đào có chứa chất kịch độc. Bò ngựa ăn phải lá trúc đào tươi có thể bị ngộ độc. Con người ăn thịt của các con vật bị ngộ độc bởi trúc đào cũng bị ngộ độc.

Thử nghiệm cho thấy người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hoặc nước ngâm rễ lá trúc đào cũng bị ngộ độc. Vì vậy, không nên trồng trúc đào gần ao, giếng, bể nước ăn. Ngoài ra, không buộc và thả gia súc ở gốc cây trúc đào. Gia đình có trẻ nhỏ cần chú ý để bé không nhặt hoa và lá trúc đào để chơi.

Người bị ngộ độc do cây trúc đào gây ra có thể gặp các triệu chứng như khó chịu, buồn nôn, bải hoải chân tay, chóng mặt. Đây là những biểu hiện trúng độc với liều lượng nhỏ. Trong khi đó, nếu bị ngộ độc với liều lượng chất độc lớn hơn, nạn nhân có thể bị rối loạn hô hấp, rối loạn nhịp tim, nôn mửa, tiêu chảy ra máu, chân tay co giật, mạch nhỏ yếu và dần dần rơi vào trạng thái hôn mê, tính mạng bị đe dọa.

Cây cà độc dược cảnh

Cây cà độc dược cảnh (Brugmansia Suaveolens) còn được gọi là "hơi thở của quỷ". Loại cây này chứa chất Scopolamine có tác dụng gây ảo giác. Chỉ uống phải một giọt độc được được chiết xuất từ Scopolamine, nạn nhân có thể mất tri giác và mất trí nhớ tạm thời.

Hoa của cây này cũng được sử dụng để bào chế ra các loại thuốc chống say tàu xe, trị hèn suyễn, giảm đau, tiền mê.. Tuy nhiên, do nó có độc tính cao nên chỉ dùng với lượng rất nhỏ.

Người bị ngộ độc cây cà độc dược cảnh có thể xuất hiện các biểu hiện như khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử. Trường hợp ngộ độc nặng có thể xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích.

Cây cà độc dược cảnh (bên trái) và cây hồng môn đều có độc.
Cây cà độc dược cảnh (bên trái) và cây hồng môn đều có độc.

Cây hồng môn

Cây hồng môn là loại cây cảnh khá phổ biến, được nhiều người yêu thích vì có màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng toàn thân cây hồng môn đều chứa độc. Chất độc trong cây này là Calcium oxalate và Asparagine. Việc trồng cây bình thường sẽ không gây ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây thì nạn nhân sẽ gặp các hiện tượng như bỏng rát miệng, họng, dạ dày và ruột. Lá và hoa bị nát và dính vào da sẽ dẫn tới tình trạng nổi ban, nổi mụn nước.

Cây ngô đồng cảnh (Jatropha podagrica)

Cây ngô đồng cảnh có chứa độc tố nên cần phải cân nhắc kỹ trước khi trồng trong nhà.
Cây ngô đồng cảnh có chứa độc tố nên cần phải cân nhắc kỹ trước khi trồng trong nhà.

Cây ngô đồng còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như cây dầu lai có củ, cây vạn linh, cây sen núi. Trong thân, củ, lá và hạt của loại cây này đều chứa chất Curcin. Đối với con người, đây là một chất độc có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nếu ăn phải. Người bị ngộ độc Curcin nặng sẽ xuất hiện hiện tượng xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.

Hy vọng những thông tin trên đây về "5 loại cây cảnh cho hoa đẹp nhưng có độc" sẽ giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn loại cây phù hợp để trồng trong nhà, thận trọng khi lựa chọn các cây có chứa độc tố.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền