Uống quá nhiều nước
Cơ thể của chúng ta cần nạp đủ một lượng nước nhất định. Nhưng như thế không có nghĩa là uống càng nhiều nước càng tốt. Đặc biệt là sau khi vừa ăn no, nếu bạn uống quá nhiều nước sẽ làm tăng áp lực đường tiêu hóa và làm cho dạ dày khó tiêu hóa thức ăn.
Bên cạnh đó, uống nước quá lạnh sau khi ăn cũng có thể làm chậm tiêu hóa. Nếu bạn muốn uống thứ gì đó sau bữa ăn, hãy uống trà thảo dược ấm nóng.
Ăn quá nhanh
Khi bạn ăn quá nhanh, thức ăn chưa được nhai kỹ và nghiền nát nên cơ thể hấp thụ một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn gây ra tình trạng thức ăn tích tụ quá nhiều trong dạ dày. Việc này gây áp lực lên thành dạ dày, khiến thành dạ dày phải co bóp liên tục để tiêu hóa một lượng lớn thức ăn, làm giảm chức năng của dạ dày.
Bên cạnh đó, ăn quá nhanh cũng có hại cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, lâu dần có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày thậm chí là ung thư dạ dày.
Tốt nhất bạn nên nhai khoảng 20 lần trước khi nuốt để thức ăn được nghiền nát, giảm bớt áp lực cho thành dạ dày và hệ tiêu hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày.
Vận động mạnh sau khi ăn
Sau khi ăn vận động mạnh rất dễ đau dạ dày. Lý do là bởi từ 1-3 tiếng sau khi ăn, máu phải đổ dồn về cơ quan tiêu hóa để làm nhiệm vụ xử lý thức ăn.
Nếu vận động mạnh trong khoảng thời gian này sẽ buộc lượng máu phải phân bổ nhiều cho cơ bắp, dẫn đến máu không đủ cho cơ quan tiêu hóa, ảnh hưởng đến công năng của dạ dày, dễ gây bệnh đau dạ dày.
Ăn chung mâm, chung đũa
Một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày là vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này có thể sinh sống và phát triển ở trong niêm mạc dạ dày và có khả năng lây nhiễm cao.
Theo thói quen ăn uống của người Việt, mọi người sẽ ngồi quây quần bên mâm cơm, ai ăn sẽ dùng đũa để gắp. Việc ăn chung mâm, chung đũa có thể khiến các thành viên trong gia đình cùng nhiễm vi khuẩn HP.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị viêm dạ dày vì người bệnh có khả năng tái lây nhiễm vi khuẩn HP do ăn chung mâm với nguồn lây khác.
Hút thuốc
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn ảnh hưởng đến dạ dày.
Trong thuốc lá có chất nicotine làm thu hẹp các mạch máu ở thành dạ dày, từ đó làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày và làm giảm tính năng tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn của dạ dày.