6 khoản tiền người lao động sẽ bị mất nếu không đóng BHXH đầy đủ

( PHUNUTODAY ) - Theo luật định, người lao động muốn được hưởng các chế độ của BHXH thì phải đóng đủ. Nếu không đóng hoặc đóng không đủ người lao động sẽ không nhận được 6 khoản tiền này.

Tiền chế độ ốm đau

Người lao động sẽ được nhận tiền chế độ ốm đau nếu nằm viện hoặc có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của cơ quan y tế có thẩm quyền. Mức hưởng bằng 75% tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Sau khi hưởng chế độ và quay trở lại làm việc, người lao động nếu vẫn còn mệt có thể chọn chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau với thời gian từ 5-10 ngày, tùy trường hợp. Mỗi ngày hưởng 447.000 đồng, tương đương với 30% mức lương cơ sở ở thời điểm hiện tại.

Trường hợp người lao động phải nghỉ dài ngày (trên 180 ngày) thì sẽ được hưởng 50% mức tiền lương đóng BHXH khi đã đóng BHXH dưới 15 năm, hoặc 55% mức tiền lương đóng BHXH khi đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, hoặc 65% mức tiền lương đóng BHXH khi đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

Tiền chế độ thai sản

Trong các trường hợp không may như nạo hút thai lưu, sảy thai,… hoặc sinh con, người lao động đều được hưởng chế độ thai sản.

Đặc biệt, lao động nữ sinh con sẽ được nhận tiền chế độ thai sản, tiền trợ cấp một lần khi sinh con và tiền trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sau thai sản. Trong đó:

- Tiền hưởng chế độ thai sản = 6 tháng x 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

- Tiền trợ cấp một lần khi sinh con = 2,98 triệu đồng cho mỗi con (tương đương 02 tháng lương cơ sở ở thời điểm hiện tại).

- Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được tính tùy theo tình trạng sinh con, từ 05 ngày đến 10 ngày và mỗi ngày được nhận 447.000 đồng.

Chế độ trợ cấp thất nghiệp

Mặc dù khoản tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp được tách riêng với BHXH nhưng thực tế chúng luôn được đóng song hành cùng nhau và cập nhật vào hệ thống BHXH số.

Vì vậy, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ thì trong trường hợp mất việc sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp. Mức trợ cấp mỗi tháng bằng 60% tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc và được hưởng tối thiểu 3-12 tháng.

Thời gian cụ thể tùy vào thời gian người lao động thất nghiệp, chưa tìm được việc làm mới và thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tiền chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Đóng đủ BHXH sẽ giúp người lao động được bù đắp phần nào nếu gặp chuyện không may. Cụ thể:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% thì sẽ được nhận trợ cấp 1 lần. Mức hưởng trợ cấp 1 lần được tính như sau cứ suy giảm 5% sẽ được nhận 7,45 triệu đồng, sau đó cứ giảm thêm 1% sẽ được nhận thêm 745.000 đồng. Ngoài ra, mức hưởng trợ cấp còn được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5 tháng lương, sau đó cứ thêm mỗi năm sẽ được tính thêm 0,3 tháng lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

- Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng. Mức hưởng trợ cấp hằng tháng được tính như sau cứ suy giảm 31% thì sẽ nhận 447.000 đồng, sau đó cứ thêm 1% sẽ được nhận thêm 29.800 đồng. Ngoài ra, còn được tính theo số năm đã đóng BHXH, từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5% tháng lương, sau đó cứ thêm mỗi năm sẽ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Lương hưu

Người lao động đóng BHXH đầy đủ từ 20 năm trở lên thì đến tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận tiền lương hưu. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng.

Mức lương hưu mỗi tháng nhận được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm sẽ được tính thêm 2%. Mức tối đa không quá 75%.

Trong trường hợp mức hưởng lương hưu mỗi tháng vượt quá 75%, phần vượt quá sẽ được tính thành mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH sẽ được nhận 0,5 tháng mức bình quân tiền lương đóng BHXH.

Tiền chế độ tuất

Người lao động tham gia BHXH đầy đủ khi qua đời, người thân ở lại đủ điều kiện sẽ được nhận chế độ tuất. Chế độ này bao gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần tùy trường hợp.

- Trợ cấp mai táng được tính bằng 14,9 triệu đồng (tương đương 10 tháng lương cơ sở tại tháng mà người lao động đó qua đời).

- Trợ cấp một lần đối với lao động đang đóng BHXH được tính như sau: Cứ mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 sẽ được nhận 1,5 tháng lương bình quân đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở lên sẽ được nhận 02 tháng lương bình quân đóng BHXH. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương bình quân đóng BHXH.

Riêng đối với người đang hưởng lương hưu, mức trợ cấp một lần được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu qua đời trong vòng 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì sẽ được nhận 48 tháng lương hưu đang hưởng, còn nếu qua đời vào những tháng sau đó thì cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu, mức trợ cấp này sẽ được giảm  0,5 tháng lương hưu nhưng tối thiểu cũng phải được 03 tháng lương hưu.

- Trợ cấp hằng tháng được tính bằng 745.000 đồng cho mỗi thân nhân. Đối với thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng, mức hưởng này bằng 1,043 triệu đồng.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật BHXH năm 2014, thì thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi NLĐ bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp NLĐ đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH. NLĐ nên chú ý đóng BHXH liên tục để được hưởng đầy đủ chế độ khi cần thiết.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link