Sáng nay (15/4), ông Lò Văn Xương, Chủ tịch xã Ta Gia (huyện Than Uyên, Lai Châu) cho biết, sau hơn hai ngày tìm kiếm, các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy cháu Sùng Thị Dở (10 tuổi) học sinh lớp 4 ở bản Noong Quài.
"Hiện nay, thủy điện Bản Chát đã ngừng phát điện nên nước nơi cao nhất cũng chỉ 50-60 cm. Lực lượng dân quân, quân đội và các xã lân cận hơn 200 người vẫn đang chia nhau ra từng khúc sông tìm kiếm em học sinh mất tích. Khu vực tìm kiếm kéo dài 30-40 km và xuống tới hồ thủy điện Mường La (Sơn La)", ông Xương cho biết.
Trước đó, 7 em học sinh tiểu học (5 trai, 2 gái) của bản Noong Quài, xã Ta Gia đã xin phép giáo viên về thăm nhà từ chiều thứ 6. Đến khoảng khoảng 10h sáng chủ nhật (13/4), các em từ nhà trở về trường để tiếp tục tuần học mới thì gặp nạn. 6 em may mắn được người dân cứu vớt.
Ông Xương khẳng định 7 học sinh tiểu học đang lội qua sông bị dòng nước cuốn trôi là do nhà máy thủy điện Bản Chát thay đổi lịch cấp điện, xả nước.
Khu vực 7 học sinh bị cuốn trôi cách thủy điện 30km. |
Theo ông Xương, thông thường, nhà máy điện Bản Chát phát điện vào lúc 7h, và khoảng 8h30 nước sẽ tràn đến khu vực các cháu lội qua, nhưng hôm xảy ra sự việc, nhà máy thủy điện đã "thay đổi giờ phát, xả nước không thông báo trước, nên nhiều người dân không nắm được lịch trình, đặc biệt là các cháu nhỏ, hơn 10h khi thấy nước sông cạn đã lội qua và bất ngờ dòng nước lớn cuốn trôi".
Ông Trần Quang Chiến - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) - cho biết, tại khu vực xảy ra sự cố đã có một bến đò để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con địa phương. Trong chế độ học sinh bán trú, mỗi lần về nhà hoặc đến trường, các em đều được cấp tiền đi đò, nhưng hôm đó do thấy nước sông cạn nên những học sinh này đã chủ quan không đi đò mà lội bộ sang.
Khi các em đi đến giữa dòng thì đúng lúc nhà máy thủy điện Bản Chát phía thượng nguồn sông Nậm Mu xả nước để phát điện. Nước lũ bất ngờ nước đổ về, dâng cao cuốn trôi em Sùng Thị Dở.
Theo ông Chiến, trường tiểu học bán trú mà các em này đang theo học chỉ cách bến đò khoảng 2km. Cuối tuần về nhà các em đều được giáo viên đưa lên đò qua sông an toàn rồi giáo viên mới quay về trường. Khi đến trường, phụ huynh là người có trách nhiệm đưa các em lên đò. Tuy nhiên do cha mẹ để các em tự đi nên đã xảy ra tai nạn.
Cũng theo ông Chiến, khúc sông cạn nằm ở phía hạ lưu Nhà máy thủy điện Bản Chát nhưng cũng nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Huội Quảng. Do nhà máy thủy điện Huội Quảng chưa ngăn dòng nên bà con vẫn có thể qua lại được. Thông thường nhà máy thủy điện sẽ phát điện vào buổi tối và sáng hôm sau.
Liệu có phải do thủy điện Huổi Quảng đổi giờ xả nước gây ra tai nạn cho các em? |
Tuy nhiên, ông Đặng Việt Thắng, Giám đốc Công ty thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát cho rằng, nguyên nhân không phải do Nhà máy thủy điện Bản Chát xả tràn. Sáng 13/4, nhà máy vẫn phát tổ máy số 1 vào 7h, phát tổ máy số 2 vào 7h15 thì khoảng 8h lượng nước đã chảy qua khúc sông này. Từ nhà máy xuống nơi xảy ra tai nạn chỉ hơn 20km nên không thể có sự thay đổi đột ngột lưu lượng nước sông Nậm Mu.
Ông Hà Trọng Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Than Uyên cũng khẳng định “do các em học sinh nhỏ tuổi, không ý thức được việc qua sông nên đã không đi bằng đò, mới xảy ra việc đáng tiếc như vậy. Chính quyền huyện đã kiểm tra và làm rõ nguyên nhân không phải do thủy điện Bản Chát xả tràn, vì nhà máy hoạt động theo quy trình vận hành rõ ràng và có cảnh báo cho người dân trước khi phát điện”.
Từ năm 2006, huyện Than Uyên đã có quyết định về việc xây cầu treo qua đoạn sông này, tuy nhiên ban quản lý dự án và xã đã đi khảo sát nhưng do địa hình quá rộng nên chưa thể xây cầu được. Khu vực này chỉ là một lối tắt để bà con vượt sông Nậm Mu, người dân hàng ngày vẫn phải qua sông bằng đò. Nếu đi lại bằng xe máy thì cách đó vài cây số đã có cầu treo kiên cố và trục đường chính.