Từ trước đến nay đã có rất nhiều người cho rằng để trở thành phó chánh văn phòng không hề dễ. Bởi để có thể ngồi vào cái "ghế" ấy, các ứng viên phải đáp ứng hàng loạt những điều kiện như bằng cấp, tuổi tác, năng lực vân vân và vân vân.
Thế nhưng gần đây, người ta bỗng mình ngã ngửa nhận việc ấy chẳng hề phải rắc rối như mọi người nghĩ. Như chuyện ở Thanh Hóa, lái xe dù quá tuổi vẫn đường hoàng được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng huyện ủy đấy thôi.
Chẳng là sau vụ việc một người lái xe “rất tốt và an toàn” bị hụt bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Nông Cống, Thanh Hóa, báo chí tiếp tục phát hiện thêm 2 trường hợp lái xe, không có bằng cấp được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng, tại Tĩnh Gia.
Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hợi giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng. |
Theo đó, ngày 12/10/2011, ông Trương Bá Phúc – Bí thư Huyện ủy huyện Tĩnh Gia đã ký Quyết định số 216-QĐ/HU bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hợi (55 tuổi, quê quán xã Xuân Lâm (huyện Tĩnh Gia),) công chức lái xe cơ quan Huyện ủy giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy.
Cùng thời gian trên, ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cũng ký Quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Huy (54 tuổi, trú tại xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia) là lái xe cơ quan UBND huyện giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND huyện.
Được biết, Ông Hợi và ông Huy từng là lái xe công tác trong quân đội, sau đó được bố trí về công tác tại huyện Tĩnh Gia. Sau khi được bổ nhiệm cả ông Hợi (Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Tĩnh Gia) và ông Huy (Phó Chánh Văn phòng UBND huyện) đều được phân công nhiệm vụ làm công tác hành chính, quản lý tài sản trong cơ quan, bố trí tiếp khách, xe phục vụ công việc của huyện...
Tuy nhiên tại thời điểm bổ nhiệm (lần 1), ông Nguyễn Hữu Hợi (52 tuổi) và ông Vũ Quang Huy (51 tuổi) đều không đủ những tiêu chuẩn để đảm nhận chức vụ (quy định tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi cả nam và nữ).
Người ta giải thích rằng quyết định bổ nhiệm là dựa trên những tiêu chuẩn như đã có hàng chục năm công tác, đã từng lái xe cho các đồng chí bí thư, chủ tịch, hay vì “lái xe rất tốt và an toàn”... Tóm lại là toàn những lý do nghe có vẻ rất logic.
Thế nhưng quan trọng nhất đó là ... “vì cái tình”.
Những quy định về tiêu chuẩn của việc bổ nhiệm, từ bằng cấp cho đến trình độ, tuổi tác… dù đã được luật hóa rất rõ ràng nhưng chúng có thể bị vô hiệu hóa một cách nhanh chóng chỉ bởi một “cái tình”.
Vậy “cái tình” là cái gì? “Cái tình” trong trường hợp cá biệt này, không phải là tình trạng "con ông cháu cha" mà xã hội hay nhắc đến. “Cái tình” ở đây là một tiêu chuẩn vượt lên mọi tiêu chuẩn, bất chấp mọi tiêu chuẩn. “Cái tình” ở đây là một thứ “siêu tiêu chuẩn”.
Cho nên chỉ cần đạt được tiêu chuẩn "vì cái tình", những tiêu chuẩn khác lập tức trở nên vô nghĩa, và không cần quan tâm đến.
Có thể thấy việc bổ nhiệm lái xe làm phó chánh văn phòng đã khiến không ít người khó chịu, thậm chí phản đối vì cho rằng vô nguyên tắc. Tuy nhiên, bản thân người viết lại cho rằng đó là một dấu hiệu đáng mừng, đáng hoan nghênh vô cùng.
Chẳng là thời gian gần đây dư luận cả nước đang vô cùng hoang mang trước những thông tin cho rằng con người đang ngày càng trở nên vô cảm, tàn nhẫn với nhau.
Người ta rất dễ dàng tìm thấy trên báo chí, trong những câu chuyện hàng ngày của người dân những vụ giết người tàn nhẫn đễn ghê rợn, những vụ hôi của chẳng khác gì cướp cạn rồi hay cách hành xử nhẫn tâm giữa con người với con người....
Chỉ vừa mới đây thôi là vụ bố đẻ cầm điếu cày đánh chết cậu con trai 8 tuổi, rồi thì con đuổi cha mẹ già ra khỏi nhà...
Những tưởng sự vô cảm, tàn nhẫn của con người đã đến đáy rồi thì tiêu chuẩn "vì cái tình" xuất hiện chứng minh ngược lại. Đấy, cái tình còn đầy ra đấy thôi.
Vậy nên, quý vị cũng chẳng cần phải thắc mắc hay khó chịu với việc bổ nhiệm ấy làm gì. Mọi vấn đề nên nhìn vào mặt tốt của nó để mà vui vẻ, chứ cứ nhìn vào mặt xấu mà buồn khổ, chán nản thì sao mà sống tiếp được.