Nhắc đến xe buýt Hà Nội nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một loại phương tiện giao thông công cộng giá rẻ, nhiều tiện lợi. Thế nhưng với không ít người xe buýt lại là biểu tượng ám ảnh, khiến họ hoang mang, sợ hãi bởi tình trạng móc túi, cướp đồ một cách trắng trợn, rồi yêu râu xanh lợi dụng sàm sỡ các bạn nữ trẻ...
Có lẽ người Hà Nội đã không còn xa lạ với tình trạng lên xe buýt như bước chân vào chốn trần ai với bầu không khí nóng bức, ngột ngạt đến khó thở. Trên xe đầy những cảnh chật chội, ồn ào, chen lấn, xô đẩy, văng tục.
Hình ảnh xe buýt đông đúc, chật chội thường xuyên diễn ra ở Hà Nội |
Lên được xe đã là một chuyện khó chứ không nói đến chuyện có được một chỗ đứng và ngồi ổn định. Hành khách làm đủ mọi cách như chen lấn, xô đẩy, gào thét, hất người này, đẩy người khác chỉ với mong muốn là có được một chỗ trên xe.
Xe chật chội, những điểm lên xuống đông đúc đã tạo cơ hội hành nghề rất thuận lợi cho dân “ 2 ngón” với đầy đủ hình thức tác nghiệp. Khi dừng xe ai cũng chen lấn xô đẩy vội vã để bước xuống xe và những kẻ bất lương đó đứng trên xe nhân cơ hội móc túi giật đồ.
Và một vấn đề không thể không kể đến là thái độ phục vụ của lái và phụ xe. Bên cạnh những lái xe, phụ xe rất vui vẻ và niềm nở với khách, chỉ bảo hành khách rất tận tình thì cũng có rất nhiều phụ xe trên xe buýt có thái độ coi thường hành khách, với những lời nói và hành động rất khó chấp nhận .
Tóm lại là có ngồi kể cả ngày cũng chẳng hết được những điểm yếu kém của xe buýt Hà Nội. Thậm chí (không rõ có thật không) người ta còn kháo nhau rằng nếu tập hợp hết những lời than phiền về xe buýt của người Hà Nội vào sổ sẽ được một cuốn sổ dài hàng chục mét.
Vậy mà không hiểu tại sao cứ mỗi khi có lãnh đạo "vi hành" xe buýt Hà Nội, chất lượng của phương tiện này lại được cải thiện một cách đáng ngạc nhiên.
Chẳng thế mà chuyến “vi hành” ngẫu nhiên của Bí thư Phạm Quang Nghị và đoàn công tác của Thành ủy - UBND TP Hà Nội mới đây lại thấy rằng xe buýt...thân thiện.
Theo đó, vào sáng ngày 12/3 Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã lên tuyến xe số 48 (đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Trần Khánh Dư) xuất hiện một vị khách đặc biệt đó là ông Phạm Quang Nghị. Vào giờ cao điểm hết ghế ngồi, Bí thư Hà Nội phải rất vất vả mới tìm được một chỗ đứng có tay vịn để giữ thăng bằng.
Trò chuyện với một nữ khách khoảng ngoài 30 tuổi, Bí thư vui mừng được biết hành khách này đã 8 năm đi xe buýt nhưng chưa bị mất cắp hay bị va chạm với ai.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trò chuyện với hành khách và nhân viên soát vé trên xe buýt. |
Sau chuyến vi hành trên xe buýt số 48, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, lộ trình đi chỉ vài km nhưng ông đã ghi nhận được nhiều điều, thứ nhất người dân vẫn rất yêu mến và dành tình cảm cho xe buýt, điều đó được chứng minh qua các tuyến buýt luôn đông khách.
"Một người đi xe buýt suốt 8 năm mà không bị trộm cắp và cũng không nhìn thấy ai bị trộm cắp thì quá tốt. Tất nhiên, với hơn 466 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội mỗi năm, thế nào cũng có lúc này, lúc khác nhưng rõ ràng, đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt. Có thể nói, lực lượng CATP Hà Nội đã làm rất tốt, nhưng chúng ta vẫn cần cố gắng làm tốt hơn nữa...” - ông Phạm Quang Nghị phát biểu trong cuộc làm việc sau đó với Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco).
Bí thư Thành ủy còn chỉ đạo xe buýt Hà Nội bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ thì cũng cần có sự chia sẻ với người dân về giá vé tăng lộ trình nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Trước cuộc vi hành của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ Trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã có 2 lần đi làm bằng xe buýt và có nhận định khá tốt.
Được biết, có một lần ông đi xe buýt đến đầu phố Khâm Thiên, rồi đi bộ đến trụ sở Bộ GTVT cách đó 2km. Để có được kết quả khách quan và không bị lộ thân phận, Bộ trưởng đã ăn vận rất bình thường, giản dị, đội mũ lụp xụp, khác hẳn phong cách chủ trì hội nghị thường ngày. Thời gian xuất phát là vào 6 giờ 30 phút sáng.
Sau chuyến vi hành, qua những điều quan sát được, Bộ trưởng chia sẻ: Những tuyến xe buýt mà ông đi rất thoáng đãng, điều hòa mát lạnh, nhà xe thì thân thiện vui vẻ. Xét một cách tổng thể xe buýt đáp ứng được một phần nhu cầu vận tải nhưng vẫn tồn tại những khuyết điểm, điểm dừng đỗ chưa hợp, bỏ bến, phóng nhanh vượt ẩu, thiết kế xe chưa phù hợp với điều kiện đô thị, hệ thống phanh chưa phù hợp làm người trên xe khó chịu.
Sự khác biệt rõ rệt giữa những lời phàn nàn của người dân và kết quả thu được sau các chuyến "vi hành" của lãnh đạo đã khiến không ít người phải thắc mắc đặt dấu hỏi. Hơn nữa, lâu nay trước một vấn đề có nhiều ý kiến, người Việt thường chọn nghe theo số đông.
Vậy nên một số kẻ to gan đã dám đặt giả thiết có thể các lãnh đạo đi vi hành nhận định sai?
Có điều giả thiết này chỉ mới đưa ra đã bị dư luận vội vàng gạt phắt đi. Bởi các chuyến "vi hành" đều là ngẫu nhiên, những nhận định đưa ra đều là lãnh đạo mắt thấy tai nghe, làm sao có thể sai được.
Cuối cùng chỉ có thể giải thích rằng tại vì xe buýt cũng biết sợ nên mỗi lẫn lãnh đạo lên xe thì tự nhiên chất lượng lại tốt lên trông thấy. Những người xung quanh lãnh đạo khi đi xe cũng chẳng có gì để than phiền.
Mà quý vị cũng đừng quá ngạc nhiên khi xe buýt dù chỉ là một loại phương tiện giao thông mà cũng biết sợ. Bởi ở Việt Nam có đầy thứ tưởng chừng vô tri vô giác mà khôn ngoan không ai bằng đấy nhé.
Chẳng phải kể đâu xa như thực phẩm bẩn và tham nhũng ấy. Trong khi chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ nhưng vẫn không phát hiện được tham những thì thực phẩm bẩn, độc cũng không kém phần long trọng vì luôn biến mất không dấu vết mỗi khi có các đoàn thanh kiểm tra.