Bỏ Asiad, giữ lại 1.500 cây cầu cho dân

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nếu có thể thà chúng ta nộp phạt 1 triệu USD để bỏ cuộc Asiad, giữ lại cho dân 1.500 cây cầu còn hơn lãng phí tiền của cho những điều chưa thiết thân rồi để dân oằn mình gánh nợ.

Thời gian gần đây, một vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm đó là dự trù chi phí tổ chức Asiad 18 tuy mới trên giấy từ hai năm nay, song đã khiến người dân hoa mắt, chóng mặt bởi khả năng leo thang phi mã.

Mới tháng 11/2012, Ủy ban Olympic VN còn dự trù kinh phí là 3.149 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD) và đầy hãnh diện phát biểu rằng Asiad 2019 sẽ trở thành kỳ đại hội “siêu tiết kiệm” nhất trong lịch sử các lần tổ chức.

Thế nhưng, nay thì Bộ Tài chính đã cập nhật lại các tính toán: ngân sách cho Asiad 18 lên đến 300 triệu USD, song dự toán này vẫn chưa bao gồm kinh phí đào tạo vận động viên; duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình có sẵn hoặc xây mới... như vòng chảo đua xe đạp tốn 10.000 tỉ đồng mà nay nhà đầu tư Hàn Quốc đang dội ngược vì tình hình kinh tế, nhất là kinh doanh bất động sản đang “chết”...

Vậy nên vấn đề đặt ra là chi một khoản tiền lớn như vậy trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay là có thật sự cần thiết?

Mô tả ảnh.
Bỏ đăng cai Asiad 18 Việt Nam có thể xây cho dân 1.500 cây cầu 

Rất dễ để nhận thấy nước ta đang thiếu tiền cho những điều tối thiểu nhất như xây cầu để người dân vùng sâu vùng xa không phải vượt suối theo cách sáng tạo như đu dây, chui vào túi ni lông hay áo cơm cho 1,794 triệu lượt đồng bào đang còn đói ăn mỗi năm.

Chỉ cần một phép tính đơn giản, với tổng mức dự chi là 300 triệu USD số tiền ngân sách Nhà nước phải đảm bảo sẽ là 5.475 tỷ đồng. Số tiền ấy sẽ có thể xây được khoảng 1.500 cây cầu, hàng năm cứu được bao nhiêu người dân khỏi nguy cơ chết đuối.

Đấy là chưa mới đây đồng hồ nợ công đã cho biết mỗi người dân Việt từ sơ sinh đến nguời già đang phải gánh trên vai khoản nợ bình quân 20 triệu đồng mỗi người.

Đành rằng đầu tư cho lĩnh vực thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, là để nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt, ấy là chưa nói mục đích nâng cao vị thế chính trị”, “thu hút đầu tư”, rồi thì “khách du lịch”, “tạo niềm tin cho khu vực, thế giới... Nhưng khi đất nước còn quá nghèo những khoản đầu tư như thế không thật sự bức thiết.

Hơn nữa, vị thế chính trị của ta cao tới đâu thế giới đã tường tận rồi, có cần đợi đến năm 2019 để nhờ Asiad mà “nâng cao vị thế thu hút đầu tư, khách du lịch”?

Những người lạc quan có thể đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khi cho rằng “khó khăn tạm thời”. Nhưng chẳng ai biết được đến 2019 những khó khăn ấy còn tồn tại hay phát triển to lớn hơn nữa hay không.

Vậy tại sao phải bỏ tiền tươi thóc thật từ mồ hôi nước mắt của nhân dân để “mua” về những thứ chưa thiết thân như vậy?

Thực tế cho thấy có rất nhiều công trình được xây dựng để phục cho các sự kiện thể thao ở ta trước đây nay đều rất ít, thậm chí là không được sử dụng. Sân Mỹ Đình thành nơi kinh doanh ẩm thực, Cung thể thao dưới nước làm bãi đỗ xe, các nhà thi đấu tổ chức ca múa nhạc, một số công trình phục vụ SEA Games 22 giờ bỏ không. Có những "bài học" rõ ràng trước mắt như vậy cớ gì chúng ta phải tiếp tục đâm đầu vào?

Vị thế của một quốc gia có nhiều cách để nâng cao, đó là làm sao cho du lịch thật thân thiện, đừng “chặt chém”, làm sao cho mấy nhà hàng buffet ở Thái bỏ đi tấm bảng ghi tiếng Việt “Đề nghị lấy vừa đủ ăn”; làm sao để VĐV đi thi đấu nước ngoài đừng đánh nhau đổ máu như ở đội tuyển bóng bàn, (toàn những việc thuộc Bộ VH-TT&DL)... 

Rồi thì làm sao để không còn cảnh vượt suối bằng túi nilông, làm sao để mỗi năm không “mất một ngôi làng” vì tai nạn giao thông... Chứ không nhất thiết phải chi cả đống tiền phục vụ cho những điều không thực sự bức thiết.

Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể bỏ cuộc sớm bởi không phải là chưa từng có tiền lệ. 

Đầu tiên là với Asiad 1970, Hàn Quốc được trao quyền đăng cai. Nhưng trong thời gian đó, giới truyền thông của nước này đã liên tục đưa ra nhận định về tình hình kinh tế khó khăn của Hàn Quốc và cho rằng nên trả quyền đăng cai. Và ngày 30/4/1968, Ủy ban Olympic Hàn Quốc chính thức đưa ra thông báo bỏ cuộc. Cuối cùng Thái Lan - chủ nhà Asiad 1966 - chấp nhận thay Hàn Quốc trở thành chủ nhà của kỳ Asiad năm 1970 với điều kiện là chi phí tổ chức phải do AGF và Hàn Quốc hỗ trợ.

Hay như Singapore, quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng đã từng trả quyền đăng cai Asiad sau khi Thủ tướng Lý Quang Diệu trong một bài phát biểu trước toàn dân đã tuyên bố: “Một quốc gia nhỏ bé như Singapore không cho phép mình phí phạm thời gian cho việc chạy đua tranh giành những tấm huy chương ở Olympic, Asian Games hay SEAP. Với những cường quốc, điều này sẽ giúp họ đẩy mạnh nhiều khía cạnh, nhưng thật ngu ngốc và lãng phí nếu sao chép mô hình này cho các quốc gia nhỏ bé. Sẽ chẳng có lợi ích nào cho Singapore”.

Cho nên nếu có thể thà chúng ta nộp phạt 1 triệu USD để bỏ cuộc Asiad, giữ lại cho dân 1.500 cây cầu còn hơn lãng phí tiền của cho những điều chưa thiết thân rồi để dân oằn mình gánh nợ.

Theo: