8 kịch bản đáng sợ cho chuyến bay MH370 mất tích

20:17, Thứ hai 10/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia hàng không quốc tế đưa ra tám kịch bản có thể dẫn tới vụ mất tích của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines.

Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Malaysia thuộc dòng máy bay được cho là có kỷ lục an toàn trong lịch sử hàng không. Máy bay bắt đầu chuyên chở hành khách vào tháng 6/1995 và trải qua 18 năm không có vụ tai nạn chết người nào.

Kỷ lục này bị phá vỡ vào tháng 7/2013 với vụ tai nạn của hãng hàng không Asiana. 307 người trên máy bay thiệt mạng. Vụ mất tích của MH370 với 239 người là được cho là tai nạn thứ hai trong lịch sử của Boeing 777.

Giới chuyên gia nhận định có thể sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí năm, để xác định điều gì đã xảy ra đối với chiếc máy bay Boeing 777 bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. “Ở thời điểm này, chúng tôi tập trung vào những vấn đề chưa thể giải mã được” - AP dẫn lời cựu kỹ sư hãng Boeing Todd Curtis nhận định.

Chuyên gia William Waldock thuộc ĐH Hàng không Embry-Riddle đánh giá: “Việc các phi công không gửi tín hiệu cấp cứu cho thấy có một điều gì đó rất đột ngột và bùng nổ đã xảy ra”. Có thể là máy bay bị nổ trong không hoặc bất thần lao đầu xuống biển.

Hiện chưa ai rõ vì sao máy bay mất tích nhanh chóng mà không có tín hiệu rõ ràng nào. Tuy nhiên, các nhà chức trách đều lo ngại “tình huống xấu nhất” đối với chiếc máy bay này.

Dưới đây là 8 kịch bản giải thích cho bí ẩn này.

- Khung máy bay bị hỏng hoặc lỗi kỹ thuật của động cơ Rolls-Royce Trent 800. Với lịch sử an toàn kỷ lục và ấn tượng, các chuyên gia loại bỏ khả năng máy bay bị lỗi do khung máy bay bị ăn mòn.

Một trong những mối đe dọa đối với máy bay là khi cất cánh và hạ cánh, liên quan tới việc điều áp và hạ áp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nguy cơ này khó diễn ra. Vì máy bay 777 bay với chặng dài, tần suất hạ cánh và cất cánh ít hơn, nên ít gây áp lực lên khung máy bay.

Máy bay của hãng hàng không Malaysia. Ảnh: AP

- Thời tiết xấu. Các máy bay đều được thiết kế để có thể chống chịu được điều kiện bão mạnh. Tuy nhiên, tháng 6/2009, chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp từ Rio de Janeiro tới Paris đã gặp nạn vì bão lớn trên biển Đại Tây Dương. Tất cả 228 hành khách và thủy thủ đoàn thiệt mạng. Các phi công đã không truyền tín hiệu cứu hộ. 

Trong trường hợp của MH370, mọi thông số cho thấy khi máy bay trên trời, điều kiện thời tiết không xấu.

Vị trí máy bay mất tích. Ảnh: SCMP

- Phi công mất phương hướng. Trong một số trường hợp, các phi công có thể chuyển sang chế độ lái tự động và đôi khi bay lạc hướng, và họ không thể nhận ra điều này cho tới khi quá muộn. Máy bay có thể bay lạc từ 5-6 giờ đồng hồ tính từ thời điểm mất liên lạc, tức là khoảng 3.000 dặm.

Điều này là khó có khả năng xảy ra nếu ra-đa vẫn theo sát máy bay, nhưng cũng không thể loại trừ.

- Hỏng toàn bộ động cơ. Tháng 1/2008, một chiếc Boeing 777 của Hãng hàng không Anh đã rơi từ độ cao 300m xuống đường băng của sân bay Heathrow, London. Máy bay chuẩn bị hạ cánh thì động cơ mất lực đẩy do hệ thống nhiên liệu bị đóng băng. 

Trong trường hợp các động cơ gặp trục trặc, máy bay vẫn có thể trên không 20 phút, đủ để phi công có thời gian yêu cầu trợ giúp.

- Nổ bom. Một số máy bay bị nổ tung do đánh bom, trong đó có chiếc Pan Am Flight 103 khi đang bay giữa chặng London-New York vào tháng 12/1988. Ngoài ra, còn có chiếc Air India flight giữa chặng Montreal – London vào tháng 6/1985 và máy bay của Pháp nổ tung trên bầu trời sa mạc Sahara vào tháng 9/1989.

- Không tặc. Kịch bản không tặc truyền thống sẽ là những kẻ bắt cóc sẽ yêu cầu hạ cánh xuống sân bay gần nhất, và đưa ra yêu sách. Nhưng như vụ khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ, khủng bố có thể ép máy bay lao xuống biển. 

- Phi công tự sát. Hai vụ rơi máy bay thảm khốc vào cuối những năm 1990 – của hãng Silk Air và EgyptAir được cho là do phi công đã liều mạng cho máy bay rơi. Các điều tra viên của chính phủ không tuyên bố rằng vụ rơi máy bay là do tự tử, nhưng các chuyên gia cho rằng, vụ tai nạn do phi công cố ý gây nên.

- Máy bay bị bắn hạ. Tháng 7/1988, tàu khu trục USS Vincennes của Hải quân Mỹ đã bắn hạ máy bay của Iran, khiến 290 hành khách thiệt mạng. Tháng 9/1983, một máy bay chiến đấu của Nga đã bắn rơi một máy bay dân sự của Hàn Quốc.

Nằm trong diễn biến sự việc, trưa nay 10/3, ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman -Tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia 

cho biết sau 60 giờ kể từ khi chiếc máy bay MH370 mất tích và hàng loạt tàu, máy bay của các nước Malaysia, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Mỹ cùng tìm kiếm ở biển Đông, nhưng vẫn chưa tìm được bất cứ tín hiệu gì rõ ràng.

Ông Datuk cho biết vết dầu loang tìm thấy tại khu vực tình nghi máy bay mất tích đã được đưa đến cơ quan kiểm nghiệm xem có phải là dầu của máy bay MH370 hay không.

Tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia cũng cho biết các đoạn băng CCTV ghi hình tại khu vực hải quan sân bay quốc tế Kuala Lumpur thời điểm hành khách làm thủ tục lên máy bay MH370 đã được kiểm tra lại và sẽ cung cấp thông tin khi có kết quả chính thức

Tổng giám đốc điều hành Hãng hàng không Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahyain cũng có mặt trong cuộc họp báo. Ông Ahmad cho biết Malaysia Airlines đang chăm sóc cho nhiều thân nhân người bị mất tích trên chuyến bay và cập nhật tin tức thường xuyên với họ. “Một đội ngũ 94 nhân viên giàu kinh nghiệm được đào tạo chuyên trách đã được triển khai gặp gỡ với các gia đình có người thân mất tích”.

Ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman tuyên bố “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích từng inch trên biển”.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy