Bị trêu "cho ra rìa", bé gái 8 tuổi đã thả cậu em trai 2 tháng tuổi từ ban công xuống đất, khiến bé tử vong. Bi kịch này xảy ra với một gia đình trung lưu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc nhưng lại thu hút sự quan tâm của rất nhiều bố mẹ Việt. Bài viết về vụ việc được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội, các diễn đàn, như một lời nhắc nhở với cha mẹ và những người xung quanh chú ý hơn khi giao tiếp cùng trẻ.
Bởi đôi khi, những lời nói đùa từ người lớn lại có thể tạo ra hậu quả khôn lường, làm tổn thương tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của các bé và dẫn tới hành động sai lầm.
Là mẹ của ba đứa con nhỏ, Minh Hà - vợ của ca sĩ Lý Hải, cũng từng gặp phải nhiều tình huống "dở khóc dở cười" với những câu trêu đùa mà mọi người xung quanh nói với con mình. Chị kể: "Tôi từng chứng kiến chuyện như thế này từ khi mới mang bầu bé đầu tiên - Rio.
Để các con không ghanh tị nhau, Minh Hà 'thiết lập' các nguyên tắc để các bé làm theo ngay từ nhỏ. |
Tôi có một cậu cháu trai rất thân thiết và khi tôi có bầu, mọi người hay trêu cháu tôi rằng: 'Cô Hà có con rồi thì cháu sẽ ra rìa, cô không cần cháu nữa'. Mọi người chỉ nói vui vậy thôi nhưng bé thì chạy thẳng lên phòng và òa khóc nức nở. Chính tôi cũng rất bất ngờ trước phản ứng của cháu nên lấy đó làm bài học cho mình và khi sinh các bé tiếp theo, tôi luôn chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho cả nhà, cho Rio để chào đón thành viên mới".
Theo Minh Hà, trêu đùa "bé bị ra rìa" giống như câu nói cửa miệng của nhiều người lớn nên có lẽ vì thế mà mọi người không ý thức được sự tác động mạnh mẽ tới trẻ con. Thay vì đặt mình vào vị trí của con để hiểu được tâm lý trẻ thì người lớn lại cho rằng trẻ con rất nhanh quên hoặc "chúng còn quá nhỏ để nhận biết". Còn với riêng mình, vì từng là người trong cuộc nên cô đã có cách ứng xử ngược lại. Cô chia sẻ: "Ngay khi có bầu bé thứ hai là Cherry, tôi đã nói với tất cả mọi người trong nhà rằng không bao giờ được trêu chọc bé lớn Rio như vậy. Đồng thời, hàng ngay, khi nói chuyện với Rio, tôi đều bảo bé rằng: 'Mẹ sinh em để con có bạn cùng chơi. Con phải yêu thương em, chăm sóc em thì em sẽ chơi với con thật là vui'. Khi hai mẹ con đi ra ngoài đường, nếu có ai đó lỡ miệng nói đùa: 'Rio sắp bị ra rìa' thì tôi cũng phản ứng lại ngay là: 'Không, mẹ sinh em bé nhưng mẹ vẫn thương Rio'. Tôi khẳng định định điều đó trước mặt con và người vừa nói đùa để con biết và tin tưởng lời tôi nói".
Đến khi đã sinh bé Cherry, sự quan tâm của Minh Hà dành cho Rio vẫn không thay đổi. Mỗi khi đi ra ngoài về, cô đều ôm Rio vào lòng, vỗ về và nói chuyện với bé trước rồi mới chạy tới bế Cherry. Cô giải thích rằng: "Rio lớn hơn, đã biết nhận thức nên nếu mẹ lao vào bế ẵm em luôn, bé sẽ cảm thấy mình không còn được yêu thương như trước nữa và sẽ buồn. Ngay cả khi Cherry lớn hơn chút thì tôi vẫn không thay đổi cách quan tâm các con. Tôi vẫn sẽ ôm Rio trước rồi mới tới Cherry để các con hiểu về thứ tự cao thấp, trước sau. Như vậy, các con sẽ không ghen tị nhau".
Bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý cho con trước khi sinh em bé, Minh Hà cũng hướng dẫn con cách chăm sóc em, chơi với em để từ đó tăng sự gắn kết giữa các con. Mỗi khi các con chơi cùng nhau, cô cũng phải chú ý từng li từng tí để kịp thời sửa cho con những hành động sai. Chẳng hạn như: "Bé Cherry là con gái nhưng tính cách khá mạnh mẽ. Khi chơi với em út Sunny, bé yêu em là cứ vỗ bồm bộp hoặc vuốt má em cũng rất mạnh tay. Khi đó, tôi phải nói cho con rằng con làm như vậy thì em sẽ đau, em khóc và không chơi với con nữa. Rồi tôi hướng dẫn con cần chăm em như thế nào. Nhà tôi có 3 con nên tôi dạy cho bé lớn rồi bé lại chỉ cho bé sau, vì thế, giờ anh cả Rio là trợ lý của mẹ trong việc dạy dỗ các em".
Mặc dù đã lập ra những nguyên tắc như vậy nhưng bà mẹ đông con vẫn thường xuyên phải đứng ra làm "trọng tài" phân xử tình huống tranh giành đồ chơi của các bé và phải dùng tới "thiết quân luật". Bí quyết của Minh Hà là: "Thường ngày, tôi nói với các con là: 'Nếu con muốn chơi một món đồ mà anh hoặc em đang cầm thì con phải kiếm món đồ khác để đổi. Con phải lựa đồ đến khi người khi đồng ý mới thôi chứ không được tranh giành. Nếu không phân xử được thì mẹ sẽ đem bỏ món đồ đó vào sọt rác'. Sau đó, tôi đem đồ bỏ đi thật trước mắt con cho chúng nhìn thấy". Nói đi đôi với làm là cách Minh Hà dạy các con ngay từ khi con nhỏ và theo cô "khi chỉ có mẹ với con sẽ dễ dạy hơn là có thêm bố, bà...". Vì vậy, khi cần nghiêm khắc với con, cô đều tách các bé riêng ra.
Đừng để bé cảm thấy “bị ra rìa” khi có em
Ở cùng khu tập thể với nhau nên khi biết tôi mang bầu đứa thứ hai, cách đây 5 năm, chị V.A (K4 Khu tập thể Bách Khoa, HN) đã kéo tôi vào nói chuyện để truyền đạt kinh nghiệm. Chị V.A có hai đứa con, ở thời điểm chị nói chuyện với tôi đứa lớn con gái 6 tuổi, đứa bé con trai 3 tuổi. Hai chị em con chị V.A rất thương nhau. Con chị luôn nhường nhịn em từng miếng bánh, bộ đồ chơi, suýt xoa bật khóc khi em ngã. Còn thằng em lúc nào cũng quấn quít với chị gái, ăn gì cũng nhớ phần chị. “Để có được hôm nay chị đã trải qua giai đoạn rất kinh khủng đấy em ạ” – thấy tôi say mê ngắm hai đứa trẻ chơi với nhau chị V.A nói.
Là một nhà giáo hiểu tâm lý trẻ nên khi bắt đầu mang thai đứa thứ hai, chị V.A đã chuẩn bị tâm lý dần cho đứa con gái lớn. Thế nhưng dường như “liều vắc xin ” sớm ấy vẫn chưa đủ dùng để điều trị những tình huống diễn ra khi em bé ra đời. Cuộc vượt cạn khó khăn khiến chị V.A vô cùng mệt mỏi, trong 3 tháng đầu sau sinh phần lớn thời gian chị chỉ dành chăm sóc em bé và nằm nghỉ. Mỗi khi đứa con gái đầu 3 tuổi xán đến dụi đầu vào ngực mẹ, chị chỉ hỏi han chiếu lệ rồi xua con đi chơi cho mẹ nghỉ. Đã thế, anh chồng chị cũng vụng về cư xử, vợ mệt công việc chăm sóc bà đẻ con thơ làm anh túi bụi, con bé lớn nhiều lúc bị bố mắng oan vì đã không giúp được bố lại hay làm rơi cái nọ đổ cái kia. Rồi họ hàng, bạn bè đến thăm em bé cứ vô tâm trêu con chị lớn là từ nay ra rìa nhé, nhường bố mẹ cho em nhé…
Sau đó không lâu, chị thấy trên người thằng cu em có rất nhiều nốt đỏ và thỉnh thoảng đang nằm chơi ngoan lại thấy khóc ré lên. Cứ ngỡ con bị côn trùng đốt chị chỉ chú tâm chuyện buông màn và xịt muỗi. Rồi có lần khi cu em được hơn 4 tháng, chạy từ dưới bếp lên, chị thấy con mặt mũi tím tái, hơi thở yếu ớt, cạnh đó lại cái gối. Cứ ngỡ con đang tập lẫy úp mặt vào gối khó thở, từ lần đó chị rất cẩn thận trong chuyện xếp cất gối chăn. Thế nhưng sự thật mà chị V.A vô tình chứng kiến đã khiến chị kinh hoảng cho tới bây giờ. Vừa xuống bếp 5 phút, thoáng nghe tiếng cu em kêu u ơ chị vào phòng thì thấy con chị đang úp cái gối lên mặt thằng em và lấy hai tay giữ chặt. Chị hốt hoảng gỡ tay con ra và hỏi: “Sao con lại làm thế, con có biết làm thế là giết chết em hay không?”, thì con bé khóc òa: “Nhưng con ghét em lắm, vì nó mà bố mẹ không yêu con nữa, con bị ra rìa. Con không muốn có em nữa”. Nghe những lời nức nở của con, chị V.A giật mình vì biết đây là lần thứ hai con gái chị úp gối lên mặt em, còn những nốt đỏ là do nó véo em cho bõ ghét. Chị V.A thấy tự giận cách hành xử vô tâm của mình bấy lâu. Tí nữa là gây ra chuyện lớn.
Giúp con xoá bỏ định kiến ‘bị ra rìa’ khi có em
1. Đừng lờ đi những gì mà con cần
Một em bé mới sinh cần rất nhiều sự quan tâm và chăm sóc của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn lờ đi những gì mà con lớn của bạn cần. Thay vào đó con cần thêm tình yêu thương, sự quan tâm để cảm thấy an toàn. Vì vậy, đừng làm con cảm thấy bị bỏ rơi. Điều này sẽ làm nảy sinh sự ghen tỵ trong lòng con trẻ.
2. Cùng con tham gia chăm sóc em bé
Hãy cùng con tham gia chăm sóc em bé hằng ngày, như lấy khăn từ trong tủ cho em, hát ru và bế em. Điều này sẽ giúp các con có cơ hội dành tình cảm cho nhau và giúp con lớn của bạn cảm thấy mình thật đặc biệt và có ích. Tất cả điều này sẽ giúp con vượt qua sự ghen tỵ với em bé mới sinh của mình.
3. Hãy để con lớn chơi với đồ chơi của em bé
Đừng ngăn con lớn chơi với đồ chơi của em bé vì nghĩ rằng con đã lớn. Chỉ đơn giản là con cảm thấy tò mò, vì vậy, hãy cho phép con mở và xem đồ chơi của em mình. Điều này giúp con muốn chia sẻ với em và làm giảm cảm giác ghen tỵ với em.
4. Đừng trách hay mắng con
Bạn có thể rất tức giận hoặc làm nhiều việc kích động khi nổi cáu. Đừng làm những điều như vậy. Chỉ đơn giản là con đang cố gắng để gây sự chú ý với bạn. Trách mắng con chỉ làm tình hình xấu đi. Hãy thử nói chuyện với con. Làm cho con cảm thấy con vẫn được yêu thương và an toàn. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề.
5. Đừng mong con sẽ cư xử như một "người lớn" với em bé
Con vẫn còn là một đứa trẻ. Đừng nghĩ rằng con sẽ cư xử như một "người lớn" với em bé mới của mình. Hãy dạy cho con cách yêu thương, chăm sóc, và cách cư xử với em bé. Làm từng bước theo hướng này sẽ làm các con yêu thương nhau hơn trong suốt cuộc đời.
Trái tim của một đứa trẻ rất mỏng manh và rất dễ bị tổn thương với sự xuất hiện của một em bé mới. Đừng làm cho con nghĩ rằng tất cả tình yêu và tình cảm của bạn đã được chuyển cho em bé mới sinh. Hãy đến gần với con để con cảm thấy được yêu thương và an toàn.
6 chiêu "không tưởng" dỗ trẻ "ăn vạ" nín ngay lập tức (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Thay vì “nổi cơn tam bành” hay to tiếng quát mắng trẻ, bố mẹ hãy thử đánh lạc hướng con bằng những hoạt động cực thú vị dưới đây. |