Theo truyền thống, người Việt sẽ lập bàn thờ trong nhà để thờ các thần linh cai quản, trông nom nhà cửa và tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên cũng là một cách giáo dục thế hệ con cháu báo hiếu tổ tiên, giáo dục về cội nguồn, lòng hiếu thảo...
Người xưa quan niệm rằng, việc thờ cúng và bài trí bàn thờ trong nhà có thể chia làm 3 cấp bậc:
- Phật: Một số gia đình thờ Phật để cầu bình an, hóa giải tai ương, hướng về cõi Niết bàn.
- Thần: Thờ các vị thần giúp gia đình yên ổn. Thông thường, trong gia đình sẽ thờ các vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Long Mạch, Táo Quân, Thần Đất, Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần, Ngài Tiền hậu địa chủ tài thần.
- Gia tiên tiền tổ: Là những người đã khuất trong dòng họ, gia tộc gồm gia tiên tiền tổ, cụ kỵ ông bà, bà cô, ông mãnh, cô cậu, huyền cô, huyền cậu, mong tổ tiên phù hộ độ trì trong mọi mặt của cuộc sống.
Ban thờ Phật thường chỉ có 1 bát hương. Trong khi đó, ban thờ còn lại có thể thờ chung Thần và gia tiên nhưng sẽ đặt 3 bát hương. Bát ở giữa là bát to nhất, đặt cao nhất với mục đích thờ các vị thần. Bát hương bên phải (khi đứng nhìn vào bàn thờ) dùng để thờ gia tiên. Bát bên trái (khi đứng nhìn vào bàn thờ) là bát hương thờ bà cô, ông mãnh, cô cậu, huyền cô, huyền cậu.
Bàn thờ tốt nhất cho một nhà nên có đủ 3 bát hương. Vì trong những ngày lễ tết, giỗ, mùng một, ngày lằm, khi làm lễ cúng, gia chủ đều mời đầy đủ các vị thần linh, tổ tiên về. Trong khi đó, người xưa quan niệm rằng bát hương là nơi các vị ngự. Nếu chỉ để một bát hương thờ chung tất cả các vị thì sẽ không phân đúng ngôi thứ giữa thần linh và tổ tiên.
Nhìn chung, thần linh và gia tiên không nên để chung một bát hương.
Bát hương bên trái thờ bà cô tổ. Đây được cho là người đại diện giữa thần linh và gia tiền của mỗi gia đình.
Nếu gia đình có nhiều hơn một bàn thờ thì bàn thờ Phật phải đặt ở bậc cao nhất, sau đó là bàn thờ các vị thần linh, cuối cùng là bàn thờ gia tiên.
Bàn thờ Phật cần có bát hương riêng, không cần to nhưng phải cao hơn các bát hương khác.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.