Bão số 16 - Tembin suy yếu thành áp thấp, mưa lớn diện rộng, vẫn không thể chủ quan

( PHUNUTODAY ) - Sáng 26/12, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 16 tiếp tục vào sâu trong vịnh Thái Lan. Hoàn lưu bão gây gió giật mạnh cấp 6 tới cấp 8 và mưa lớn diện rộng ở Nam Bộ, Trung Bộ.

Theo bản tin sáng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 4h ngày 26/12, tâm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 16 - Tembin) ngay trên vùng biển ven bờ Bạc Liêu, Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới ở cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 9.

Trong ngày, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ di chuyển 15-20 km/h. Đến 16h, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trong vịnh Thái Lan, sức gió giảm còn cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8. Áp thấp sau đó giữ hướng di chuyển và suy yếu thành một vùng áp thấp trên vịnh này.

bao-1Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão theo bản tin lúc 5h ngày 26/12. Ảnh: NCHMF. 

Vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau và trên đất liền các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau còn có gió giật cấp 6.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ mưa to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Hình thành ngoài khơi Philippines vào ngày 21/12, bão Tembin sau khi quét qua quốc đảo này đã khiến 200 người chết, hơn 160 người mất tích.

Đêm 23/12, bão Tembin đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão thứ 16 trên vùng biển này trong năm 2017. Bão liên tục tăng cấp, di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ nhanh 20-25 km/h.

Được tiếp thêm năng lượng, bão số 16 - Tembin mạnh nhất ở cấp 12 khi đi vào vùng biển quần đảo Trường Sa. Chiều tối 24/12, đảo Trường Sa Lớn ghi nhận gió mạnh cấp 11, giật cấp 14.

Không được chủ quan

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến cuối ngày 25-12, tất cả tàu thuyền đã vào nơi neo đậu. Toàn bộ người dân sống trên tàu thuyền lồng bè tại các tỉnh, TP ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau cũng đã đưa lên bờ. Hơn 140.000 căn nhà được chằng chống.

Ngoài việc cấm biển, một số địa phương cũng kiên quyết cấm tàu thuyền đi lại trên sông. Nhiều tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định tuy bão có giảm cấp, phạm vi ảnh hưởng giảm nhưng vẫn ở mức mạnh cấp 8 - cấp 10 và có thể kèm theo giông lốc mạnh cục bộ, còn rất nguy hiểm. Vì vậy các địa phương cần tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, không chủ quan, phải tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó phải chủ động có phương án bảo vệ các tuyến đê biển xung yếu trước khi bão đổ bộ, bố trí lực lượng, phương tiện tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng huy động. Đồng thời chuẩn bị phương án khôi phục hạ tầng ngay sau bão nhất là hạ tầng điện, thông tin liên lạc, nhà dân…

Theo:  khoevadep.com.vn copy link