1. Biến âm nhạc trở thành một phần cuộc sống của bé
Rất nhiều các cuộc nghiên cứu đã cho ra cùng một kết quả rằng, âm nhạc hay nghe nhạc có thể giúp trẻ tăng cường trí nhớ, phát triển khả năng ngôn ngữ, sự tập trung, mục tiêu phấn đấu và học tập tốt hơn. Không những vậy, theo các nhà khoa học, giữa âm nhạc và khả năng lý luận không gian, đặc biệt là toán học có một mối quan hệ khá đặc biệt.
Trong âm nhạc có các yếu tố như giai điệu, khi nghe nhạc hay được hiểu về nhạc từ khi còn nhỏ sẽ tạo cho bé điều kiện nhận thức ban đầu về các chuỗi, sự lặp lại hay hoạt động đếm số. Bên cạnh đó, việc nghe nhạc cũng sẽ giúp tinh thần của bé được thư giãn hơn, từ đó bé cảm thấy thoải mái và an tâm hơn, không quấy khóc và việc chăm sóc mẹ cũng trở nên dễ dàng hơn.
2. Không quá bao bọc hay áp đặt trẻ
Đối với những đứa trẻ thì kiến thức từ thế giới xung quanh sẽ luôn là một thứ vô cùng thú vị và thu hút bé cảm thấy tò mò và cố gắng tìm hiểu. Chính vì thế, cha mẹ nên để bé có thể thỏa sức vui chơi, nghịch ngợm, tự do khám phá những điều mới lạ bổ ích theo cách của mình cũng là cách để giúp bé phát triển tư duy, có nhận thức tốt về thế giới xung quanh, từ đó trí tuệ cũng sẽ phát triển thông minh, lanh lợi hơn.
Đừng quá bao bọc hay áp đặt trẻ, cha mẹ có thể thỉnh thoảng mỗi tuần đưa bé đi chơi, đi picnic ở sở thú, công viên, khu du lịch sinh thái… Những chuyến đi tuy nhỏ những lại là dịp lý tưởng để con có những phút giây thư giãn cùng gia đình đấy, giúp con được tận mắt bản thân chứng kiến, nhìn thấy những sự vật mà trước đó chỉ có thể nhìn trên sách hay ti vi.
3. Cho bé biết thể nào là rủi ro và thất bại
Thường thì những đứa trẻ chưa từng gặp phải bất kì rủi ro hay thất bại nào như té ngã, thua trong một cuộc thi…, lòng tự trọng hay khả năng sáng tạo và nỗ lực của bản thân sẽ không thể cao bằng những đứa trẻ đã từng trải qua điều này. Cha ông ta thường có câu "thất bại là mẹ thành công", không có thật bại thì rất khó để đạt được thành công vượt trội. Cho bé tự cảm nhận rủi ro hay thất bại, khi "đứng lên" trẻ sẽ trở thành một ngươi mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Khi con gặp phải một rủi ro hay thất bại nào đó trong cuộc sống hay học tập, bạn đừng nhanh chóng vội vàng can thiệp, hãy để bé được tự cọ xát và tự tìm ra cách giải quyết tình huống, điều này sẽ giúp bé rút ra được những bài học kinh nghiệm cho tương lai sau này.
4. Khuyến khích bé tập thể dục
Đối với người lớn, tập thể dục mang lại một tinh thần minh mẫn và tràn đầy năng lượng, nâng cao sức khỏe thể chất thì với các bé, nó lại có tác dụng lâu dài về trí não và sự phát triển trí thông minh của trẻ. Tập thể dục sẽ làm tăng lưu lượng máu đến não và xây dựng các tế bào não mới.
5. Hãy để bé nhìn thấy bạn làm những việc thông minh
Bên cạnh sách vở, ti vi hay tự quan sát thì trẻ con còn rất thích học hỏi từ những hành vi hàng ngày của người lớn. Vì vậy, nếu bé luôn thấy bạn hay làm một số việc như đọc sách, viết văn, chơi nhạc hay làm những việc sáng tạo, trẻ sẽ bắt chước theo, từ đó bé cũng trở nên thông minh hơn.
6. Khen ngợi bé bởi sự nỗ lực, không phải vì sự thông minh
Thoạt nghe có vẻ hơi vô lý nhưng nếu cha mẹ có thể khen bé bởi nỗ lực hơn sự thông minh thì trẻ sẽ có thể cảm nhận được những nỗ lực của mình được cha mẹ quan tâm và ghi nhận. Dù đó là kết quả tốt hay không tốt nhưng quan trọng nhất đó là bé đã cố gắng nỗ lực hết sức mình, đó mới là điều quan trọng.
Nhờ điều này, trẻ sẽ học được về sự kiên trì, vượt qua thử thách và khó khăn để vươn tới thành công trong tương lai. Khi khen bé, hãy để trẻ cảm thấy những lời khen ấy có ý nghĩa và xứng đáng được nhận. Đừng bao giờ khen một cách tùy tiện vì nếu không được khen nữa, bé sẽ không cố gắng hoặc bỏ cuộc giữa chừng.
7. Học một ngôn ngữ thứ 2 càng sớm càng tốt
Đối với con người, 3 năm đầu đời chính là nền tảng cho sự phát triển của não bộ, thể hiện qua tư duy, ngôn ngữ, năng khiếu…. Vì vậy, trong giai đoạn này, việc học một ngôn ngữ thứ 2 sẽ giúp bé có khả năng sử dụng ngôn ngữ này một cách thành thạo hơn khi lớn. Việc cố gắng nói hai thứ tiếng, dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác khiến não được “tập thể dục” và gia tăng sự linh hoạt của hệ thần kinh.