Mẹ và bé suýt tử vong vì nhất quyết đòi sinh thuận tự nhiên

( PHUNUTODAY ) - Sản phụ 32 tuổi ở TP. HCM có dấu hiệu chuyển dạ ở tuần thai thứ 40. Tuy có dấu hiệu khó sinh, cổ tử cung không mở, sốt cao, nguy kịch nhưng gia đình nhất quyết không cho bác sĩ can thiệp, muốn để "sinh thuận tự nhiên".

Ngày 25/11, TS.BS Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận sản phụ N.T.T. (32 tuổi, ngụ tại TPHCM) mang thai tuần thứ 40.

Sản phụ nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết chị T. có dấu hiệu chuyển dạ nhưng thai to, khung xương chậu nhỏ, cổ tử cung không mở và có vết mổ cũ. Bác sĩ đánh giá, chị T. không thể sinh con tự nhiên qua đường âm đạo nên chỉ định mổ lấy thai, đảm bảo tính mạng cho sản phụ và thai nhi.

Tuy nhiên, sản phụ và gia đình từ chối sự hỗ trợ của bác sĩ và kiên quyết muốn sinh thuận tự nhiên.

Sau 2 giờ nhập viện, chị T. bị vỡ ối, nước ổi vàng kèm theo biểu hiện đau bụng dữ dội, sốt cao. Kiểm tra thấy tim thai rất nhanh.

Một ca sinh mổ ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM.

Một ca sinh mổ ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM.

Bác sĩ trực đánh giá đây là trường hợp chuyển dạ khó khăn và chỉ định truyền dịch, truyền thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, sản phụ và đình vẫn kiên quyết không chấp nhận bất cứ can thiệp y tế nào.

Phía gia đình cũng đưa ra nhiều yêu cầu đối với đội ngũ y bác sĩ trong ca trực như không được thăm khám âm đảo, phải để sản phụ sinh trong tư thế đứng, không tiêm kháng sinh, không dùng thuốc hạ sốt, không được tiêm vắc xin cho em bé sau khi sinh, nửa tiếng sau sinh mới được cắt dây rốn, không cho con bú sữa bình...

Thậm chí, gia đình còn ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm khi có trường hợp xấu xảy ra với mẹ con sản phụ T. Qua tìm hiểu, được biết vợ chồng chị T. hiện đang là thành viên của một cộng đồng chọn phương pháp sinh thuận tự nhiên.

Khi tình trạng của chị T. và thai nhi có dấu hiệu nguy hiểm đến mức báo động, lãnh đạo Khoa đã kiên quyết giải thích với sản phụ và gia đình việc cần phải mổ lấy thai khẩn cấp. Khi đó, gia đình sản phụ mới đồng ý.

Ca mổ lấy thai diễn ra thành công. Do chị T. vỡ ối lâu nên cả mẹ và con đều phải tiêm kháng sinh, em bé được hỗ trợ hô hấp.

Sau khi sinh con thành công, chị T. cho biết khi mang thai tháng thứ 4, thông qua mạng xã hội vợ chồng biết đến trào lưu sinh thuận tự nhiên. Sau đó, chị quyết định sinh con theo phương pháp này vì tin rằng em bé sinh ra sẽ được khỏe mạnh và an toàn nhất. Nếu biết việc làm của mình có thể đe dọa đến tính mạng của con như vậy, chị đã nghe theo lời bác sĩ ngay từ đầu.

Trong những năm gần đây, phương pháp sinh thuận tự nhiên được chia sẻ khá rầm rộ tại Việt Nam. Những người theo phương pháp này sẽ từ chối mọi can thiệp y tế để tự mình sinh con. Họ cho rằng các can thiệp của y học hiện đại tiềm ẩn những nguy cơ xấu đối với sự phát triển của con cái họ sau này. Tuy nhiên, tất cả các thông tin về phương pháp sinh thuận tự nhiên hiện nay đều được chia sẻ một cách không chính thống, không nêu rõ các vấn đề nguy hiểm mà sản phụ và thai nhi phải đối mặt trong quá trình tự sinh con.

Việc sinh thuận tự nhiên được ứng dụng tại nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada... Tuy nhiên, tại các quốc gia đó, khi sản phụ chuyển dạ luôn có sự hỗ trợ từ ekip y bác sĩ chuyên môn.

Mục đích cuối cùng của sản phụ và nhân viên y tế đều hướng đến việc "mẹ tròn, con vuông". Do đó, sản phụ nên tham khảo những nguồn tin chính thống, có kiểm chứng khoa học và được chuyên gia tư vấn cụ thể, tránh nghe theo những tin truyền miệng trên mạng làm ảnh hưởng đến cả mẹ và con.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn