Vài ngày sau khi phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm diễn ra, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Cương (em trai ruột của “bầu” Kiên) ngay tại tư gia của ông.
Mặc dù có ngoại hình giống anh trai đến mức người ngoài nhìn là nhận ra ngay nhưng ông Cương lại có thiên tính khác hẳn anh trai mình. Nếu như “bầu” Kiên là một doanh nhân thành đạt, một ông “bầu” của nhiều đội bóng thì người em trai Nguyễn Đức Cương lại bén duyên với nghệ thuật.
Ông Cương có ngoại hình hao hao giống anh trai Nguyễn Đức Kiên.
Cái tên "bầu" Cương không xa lạ gì đối với những người trong giới nghệ thuật. Ông Cương là Phó chủ nhiệm phụ trách điều hành Câu lạc bộ Văn hóa Nghệ thuật Thăng Long thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội. Ông Cương là “bầu” của ban nhạc Lãng du, là người chỉ đạo ban nhạc này thực hiện hai chương trình nghệ thuật nổi tiếng mang tên: “Trịnh Công Sơn ngàn năm thương nhớ” và chương trình nghệ thuật: “Lãng du cùng vô tận”.
Tạm thôi nói về mình, ông Cương chia sẻ những câu chuyện bên lề về người anh trai ruột. Một hình ảnh “bầu” Kiên hiện ra thật lạ lẫm với những ký ức tuổi thơ trong sáng.
Ông Cương kể rằng, ông là người em trai ngay sát ông Kiên, dưới ông còn có hai em gái. Sinh ra trong gia đình nhà giáo (bố mẹ đều là những nhà giáo nổi tiếng. Bố là nhà giáo Nguyễn Đức Lung, nguyên hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát - người từng vinh dự được được nhận Huân chương Lao động hạng 3).
Trong số các anh em, bầu Kiên là người học giỏi nhất. “Anh tôi học rất xuất sắc, thông minh, nhanh nhẹn và hay nghịch. Ngoại hình thì vừa béo vừa lùn lại đen trũi vì suốt ngày đá bóng. Tính cách anh năng nổ, nhiệt tình nên được bạn bè và thầy cô rất yêu mến”, ông Cương nhớ lại.
Theo lời ông Cương, niềm đam mê với bóng đá của hai anh em xuất phát từ rất sớm và đặc biệt thăng hoa thời còn học phổ thông, tại chính ngôi trường bố ông lúc đó đang giữ cương vị là hiệu trưởng.
Lúc đó, bầu Kiên nhỏ con hơn nên chơi ở vị trí tiền đạo, còn ông Cương hay chơi ở vị trí thủ môn hoặc hậu vệ. Ngoài đam mê bóng đá, đam mê kinh doanh của bầu Kiên cũng hình thành từ rất sớm.
Ngay khi còn nhỏ, ông Kiên đã biết dành dụm tiền để làm vốn, mua đi bán lại những món hàng lặt vặt để kiếm chút đỉnh thu nhập, mục đích cuối cùng là để phụ giúp gia đình.
Ông Cương kể: “Là anh cả, anh Kiên luôn ý thức được trách nhiệm gánh vác khó khăn cho gia đình. Anh ấy rất chịu khó lao động, không nề hà việc nặng nhọc, kể cả lao động chân tay. Có một điều rất lạ là anh ấy làm cái gì cũng rất khéo, từ việc bổ củi, đá bóng đến buôn bán hàng hóa ngoài chợ.
Nhờ thành tích học tập xuất sắc thời cấp 3, ông Kiên giành được học bổng đi du học ở trường Kỹ thuật quân sự Hungary. Tuy nhiên, khi còn vài tháng nữa là tốt nghiệp đại học, ông Kiên phải về nước.
Về Việt Nam khoảng 1987, ông Kiên từ 2 bàn tay trắng, nhanh nhạy, biết tạo cơ hội trong khủng hoảng và dần dần trở thành một người thành đạt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác. “Anh tôi có một quyết tâm thoát nghèo ghê gớm”, ông Cương nói.
Ông Cương chia sẻ, đã từng xây dựng một đề án thành lập câu lạc bộ bóng đá Thăng Long và trình cho ông Kiên xem. Tuy nhiên, ông Kiên muốn mua 1 đội bóng có thương hiệu sẵn và nhiều cổ động viên.
Sau khi 2 anh em không thống nhất được quan điểm, tôi đi hướng riêng, còn anh Kiên hoàn toàn độc lập quản lý CLB bóng đá Hà Nội (ACB). Từ khi bị bắt, hai đội bóng của bầu kiên, một đội chơi ở V-league và một đội chơi ở giải hạng nhất bị giải thể.