Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Vũ Xuân Nam, Lưu Văn Tám, Hoàng Đôn Hùng đã cùng có một văn bản kiến nghị dài 18 trang đề nghị Quốc Hội giám sát vụ án Nguyễn Đức Kiên và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Bản kiến nghị nêu rất nhiều nội dung quan trọng, nhiều tồn tại của cả hai vụ án này.
Trước khi bắt đầu phiên tòa vào 20/5/2014, một số luật sư tiếp tục có nhiều kiến nghị gửi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Trại tạm giam Bộ Công an, “nóng” nhất là chuyện cùm chân bầu Kiên như phiên tòa ngày 16/4/2014 và việc triệu tập thêm người ra tòa.
Đề nghị triệu tập lãnh đạo ngân hàng
Các luật sư đề nghị triệu tập ra tòa với tư cách người làm chứng với các cá nhân là lãnh đạo Ngân hàng Công Thương trong thời gian xảy ra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tại ngân hàng này gồm ông Phạm Huy Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương), Kế Toán Trưởng Ngân hàng Công Thương, Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Công Thương.
Triệu tập các cá nhân này để xác định việc hạch toán, quản lý khoản 718 tỷ tiền gửi của ACB tại Ngân hàng Công thương, nguyên nhân để Huyền Như chiếm đoạt tiền, trách nhiệm của Ngân hàng Công thương.
Đặc biệt, cần làm rõ tình tiết ông Phạm Huy Hùng đã phát biểu công khai trên báo chí là tiền gửi của các khách hàng gửi tiền trong vụ án Huyền Như, trong đó có ACB, chưa vào Ngân hàng Công Thương mà đi sang chỗ khác.
Theo các luật sư, hồ sơ vụ án thể hiện 718 tỷ của ACB đã vào Ngân hàng Công thương rồi mới bị chiếm đoạt bằng thủ đoạn giả chứng từ. Nếu nội dung phát biểu của ông Hùng là đúng thì hồ sơ vụ án về khoản tiền 718 tỷ là sai.
Với ông Trương Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Minh Hương, cùng là Phó giám đốc Chi nhánh TP. HCM Ngân hàng Công Thương, các luật sư đề nghị triệu tập ra tòa với tư cách người làm chứng vì ông Trương Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Minh Hương là đại diện hợp pháp của Ngân hàng Công Thương Chi nhánh Tp. HCM ký 32 Hợp đồng thật để nhận tiền gửi của ACB.
Khi xử sơ thẩm vụ án Huyền Như, TAND TP.HCM kiến nghị xử lý hành vi thiếu trách nhiệm của ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương trong việc quản lý dẫn đến hậu quả mất tiền tại Ngân hàng Công thương.
Đề nghị triệu tập người giúp sức cho Huyền Như
Để Huyền Như có thể dùng hồ sơ giả vay tiền, rút tiền, chiếm đoạt tiền tại Ngân hàng Công thương thành công, trong đó có khoản 718 tỷ của ACB, đã có nhiều cán bộ của Ngân hàng Công thương không thực hiện đúng quy định về tín dụng, giao dịch, quản lý tài khoản, kiểm tra, kiểm soát. Có 9 cán bộ của Ngân hàng Công thương đã bị kết tội trong vụ án Huyền Như bị đề nghị triệu tập ra tòa.
Tòa án Hà Nội không triệu tập các cá nhân đứng tên các hồ sơ vay giả, ký giả hợp đồng cầm cố thẻ tiết kiệm (đứng tên các nhân viên ACB) vay tiền Ngân hàng Công Thương, giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền, sau đó Ngân hàng Công thương trích thẻ tiết kiệm thu nợ.
Các luật sư đề nghị triệu tập các cá nhân này gồm: Âu Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Nhã, Đỗ Quốc Thái, Nguyễn Đình Út, Dương Thanh Tâm, Nguyễn Thị Thủy, Dương Thanh Vũ, Bùi Minh Hải, Hùng Vạn Đức.
Các đối tượng này đã bị TAND TP.HCM kiến nghị Cơ quan điều tra khởi tố, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo các luật sư, việc triệu tập các cá nhân này ra tòa để làm rõ nguyên nhân của việc mất tiền là do Ngân hàng Công thương hay do bầu Kiên cùng các cá nhân khác.
Triệu tập người đã nhận tiền chiếm đoạt
Cũng theo Bản Phụ lục kèm theo kết luận điều tra này, tính chi tiết thì xấp xỉ 1.000 tỷ tiền chiếm đoạt của Huyền Như chưa biết đi đâu.
Theo kết luận điều tra vụ án Huyền Như, khoản tiền 718 tỷ được cho là chiếm đoạt của ACB được Huyền Như chuyển cho 27 tổ chức, cá nhân cụ thể. Các luật sư đề nghị triệu tập các tổ chức, cá nhân này ra Tòa để làm rõ nguyên nhân mất tiền, thu hồi tiền, tài sản do phạm tội mà có.
Các luật sư cho biết, trong 718 tỷ được cho là chiếm đoạt của ACB, có 36,7 tỷ Huyền Như sử dụng vào việc gì hiện Cơ quan điều tra chưa làm rõ. Cũng theo Bản Phụ lục kèm theo kết luận điều tra này, tính chi tiết thì xấp xỉ 1.000 tỷ tiền chiếm đoạt của Huyền Như không biết đi đâu.
Bầu Kiên được dẫn giải trong phiên xử ngày 16/4.
Kiến nghị triệu tập nhiều đại diện cơ quan khác
TAND TP. Hà Nội đã mời đại diện một số cơ quan nhà nước dự phiên tòa với tư cách khách mời, không phải người tham gia tố tụng.
Theo các luật sư, việc xác định tư cách là khách mời đối với đại diện cơ quan nhà nước tham gia phiên tòa là chưa phù hợp. Vì Bộ luật Tố Tụng Hình Sự không quy định về khách mời tham gia phiên tòa mà chỉ quy định về sự có mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước trong phiên tòa này là cần thiết để làm rõ nhiều tình tiết của vụ án liên quan đến quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, về tài chính, ngân hàng, thuế.
Đây là vụ án mà để kết luận về hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra đã phải có nhiều văn bản hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước về cách hiểu, cách áp dụng các quy định pháp luật. Các luật sư đề nghị xác định tư cách tham gia tố tụng của đại diện các Cơ quan Nhà nước theo đúng quy định của Bộ luật Tố Tụng Hình Sự là người làm chứng.
Các luật sư đề nghị triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, Thanh tra Ngân hàng Nhà Nước Chi nhánh TP. HCM để trả lời các vấn đề liên quan đến việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của ACB và Ngân hàng Công Thương; Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM để trả lời các vấn đề liên quan đến việc đăng ký kinh doanh các công ty mà Cáo trạng nêu ông Kiên kinh doanh trái phép vì góp vốn, mua cổ phần mà không có đăng ký kinh doanh; Đại diện Tổng cục thuế, Chi cục thuế quận Đống Đa, để trả lời các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về thuế, về nghĩa vụ thuế phải nộp của Công ty B&B; Đại diện Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước để trả lời các vấn đề liên quan đến các quy định pháp luật về chứng khoán, quản lý nhà nước với hoạt động của Công ty Chứng Khoán ACB; Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, người ký công văn Công văn của Tổng cục Thuế gửi Cơ quan điều tra về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty B&B; Ông Tống Quốc Đạt, Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người ký Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Cơ quan điều tra về ngành nghề kinh tế; Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người ký Công văn của Tổng cục thống kê gửi Cơ quan điều tra về ngành kinh tế; Ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, người ký Công văn của Ngân hàng Nhà Nước gửi Cơ quan điều tra xác định sai phạm một số Ngân hàng cổ phần.
Luật sư kiến nghị không tiếp tục xích chân bầu Kiên
Tại phiên tòa ngày 16/4/2014, hình ảnh bầu Kiên xuất hiện với sợi xích ràng cả chân và tay đã gây nhiều tranh cãi. Ông Kiên cho rằng ông bị cùm chân vì không chịu mặc đồng phục của trại.
Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có Nghị quyết năm 2004 về trang phục của bị cáo tại phiên tòa hình sự, trong đó nêu rõ “Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm”. Như vậy, việc ông Kiên yêu cầu được mặc thường phục là phù hợp và việc cùm chân là chưa thỏa đáng.
Pháp luật quy định biện pháp xích chân bị cáo trong quá trình dẫn giải được áp dụng khi cần thiết, đối với các bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ hung hãn, manh động.
“Liệu với mấy chục cảnh sát bảo vệ xung quanh, với chỉ một mình ông Kiên, với nhân thân là doanh nhân như vậy, không phạm tội mang tính côn đồ, hung hãn, thì việc xích chân có cần thiết không, tại sao các bị cáo khác trong cùng vụ án, trong các vụ án khác không bị?”- Luật sư Hùng dẫn chứng, bị cáo Hồ Duy Trúc, phạm tội cướp, chặt tay nạn nhân, bị kết án tử hình ở cả hai cấp xét xử cũng chỉ bị còng tay, không xích chân và được mặc thường phục.
Tại phiên tòa 16/4/2014 và trước phiên tòa ngày 20/5/2014, luật sư Hùng tiếp tục đề nghị không xích chân ông Kiên trong quá trình dẫn giải và tại phiên tòa.
Luật sư Hùng đề nghị TAND TP. Hà Nội tiếp tục đảm bảo cho phiên tòa diễn ra công khai, tạo điều kiện để mọi công dân quan tâm đến vụ án, các phóng viên báo, đài được tham dự phiên tòa.