(Đời sống) – Theo điều kiện tiên quyết của các ngân hàng, để vay được tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng, khách hàng phải có hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư, nhưng nếu sau đó không được vay tiền, thì người mua nhà sẽ đối mặt với việc mất trắng số tiền đặt cọc để có hợp đồng mua nhà.
Những thông tin về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội mấy ngày qua liên tục xuất hiện trên báo chí, vì đã 1 tháng trôi qua từ ngày được giải ngân, nhưng mới chỉ một vài khách hàng được xét duyệt hồ sơ.
Tờ Thanh niên mới đây đưa tin, sau một tháng triển khai gói 30.000 tỷ hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 6% một năm, áp dụng trong 10 năm, mới chỉ có hơn chục trường hợp được ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Để được xét vay vốn mua nhà, người thu nhập thấp phải có hợp đồng với chủ đầu tư, và nếu không vay được, họ đối mặt với nguy cơ mất số tiền đặt cọc hoặc phải đi vay nơi khác để trả tiền đã ký hợp đồng, chỉ chủ đầu tư là lợi nhất. Ảnh: VnEconomy. |
Còn theo ghi nhận của tờ Đất Việt, hiện khách hàng đang rất khó đáp ứng các điều kiện của ngân hàng đưa ra để được vay tiền từ gói hỗ trợ trên.
Tờ báo này đã ghi nhận ại điểm giao dịch Hà Thành (81 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhân viên tín dụng tên Xuân Q. tư vấn về thủ tục cho vay mua nhà ở xã hội cho biết, để có thể được hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội tại BIDV thì đầu tiên phải có hợp đồng ký kết với chủ đầu tư mua nhà trước ngày 7/1/2013.
“Đây là quy định bắt buộc, và chỉ sau khi có hợp đồng này thì ngân hàng mới xét duyệt các loại giấy tờ tiếp theo”, Xuân Q. khẳng định.
Đọc được thông tin này người viết bỗng thấy giật mình, thế ra phải có hợp đồng mua rồi mới được xét cho vay, còn được vay hay không lại là chuyện khác. Vậy nếu ai đó mạo hiểm ký hợp đồng mua nhà và đặt cọc 15% tổng giá trị hợp đồng theo quy định, sau đó cầm hợp đồng đi vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ, nếu không được ngân hàng xét cho vay thì số phận của người đó sẽ ra sao?
Trước khi gói 30.000 tỷ chính thức được giải ngân, các chuyên gia kinh tế đã có lời khuyên với người dân rằng, hãy cẩn thận với gói hỗ trợ này, vì có thể vướng “bẫy” lãi suất khi hết thời hạn lãi suất tối đa 6% thi các ngân hàng có thể đẩy lãi suất này lên cao và lúc đó có thể người dân không còn đủ khả năng trả nợ, và căn nhà đã bao năm cố gắng kiếm tiền trả lãi vay và một phần gốc trở thành tài sản của ngân hàng.
Nỗi lo trên chưa qua thì giờ đây người có ý định mua nhà bằng vay tiền của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng lại tiếp tục đối mặt cái “bẫy” mới - bẫy hợp đồng mua nhà. Vì chắc chắn, không phải tất cả những người có hợp đồng mua nhà đem đến ngân hàng đều được xét đủ điều kiện vay vốn.
Trong trường hợp nếu người mua nhà không được ngân hàng xét cho vay tiền, thì người dân lấy đâu tiền để trả tiếp hợp đồng, còn nếu thanh lý thì mất trắng số tiền 15% đặt cọc với chủ đầu tư.
Và như vậy ngân hàng đang “ngầm giúp” chủ đầu tư các dự án nhà ở, vì họ là những người được lợi nhất, có cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Vì chỉ cần kỳ được hợp đồng là xem như đã có tiền trong tay, nếu người dân được ngân hàng xét cho vay thì chủ đầu tư bán được sản phẩm; Còn nếu người mua không được vay tiền của ngân hàng thì sẽ có hai trường hợp xảy ra: thứ nhất, người mua sẽ hủy hợp đồng vì không còn tiền đóng tiếp, lúc đó chủ đầu tư sẽ được trọng số tiền 15% đặt cọc; thứ hai, có khách hàng vì tiếc khoản tiền đặt cọc 15% sẽ cố tìm mọi cách tự huy động vốn để nộp cho chủ đầu tư và như vậy là có thêm người tiêu thụ sản phẩm.
Với căn hộ thu nhập thấp giá bình quân khoảng 500 triệu đồng, để có hợp đồng, số tiền người mua phải đặt cọc là khoảng 75 triệu đồng, với người thu nhập thấp thì đây là một gia tài thật sự, phải tích góp nhiều năm mới có được.
Thế mới thấy, tuy gọi là gói hỗ trợ người thu nhập thấp có tiền mua nhà, nhưng thực tế các quy định lại đang gây khó khăn cho họ, thậm chí có thể đặt họ vào trường hợp mất một số tiền lớn mà chẳng được làm gì, hoặc đẩy họ vào thế phải đi chạy vạy khắp nơi, không loại trừ phải vay vốn lãi suất cao để trả tiền mua nhà vì đã ký hợp đồng mua nhưng không được xét vay vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng.
Còn những người đã có hợp đồng mua nhà, không loại trừ những trường hợp này không phải là thu nhập thấp, mà họ đã có tiền mua nhà nên đã ký hợp đồng với chủ đầu tư từ trước, giờ nhân cơ hội có gói hỗ trợ nên đi vay. Còn những người thu nhập thấp, cần vay tiền để mua nhà lại bị đặt vào thế khó, phải mạo hiểm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình vào cái thế năm ăn năm thua.
Về phần doanh nghiệp, có vẻ họ đang được tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dễ hơn người dân, mới đây tờ Thanh niên dẫn nguồn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho hay, ngân hàng này mới đây đã triển khai với 10 doanh nghiệp - 13 dự án với tổng mức đầu tư là 6.644 tỷ đồng (trong đó có 6 dự án đã được Bộ Xây dựng đề xuất danh mục dự án nhà ở xã hội được vay vốn, các dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục).
Bộ Xây dựng cũng đã công bố danh sách các dự án, chủ đầu tư được vay vốn đợt 1 gồm các dự án nhà ở xã hội Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư; dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú, Hà Đông do Công ty đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư; dự án nhà ở xã hội Đồng Dâu (Vinh, Nghệ An) của Công ty đầu tư thương mại Đại Huệ…
Báo cáo trước Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm, khi đề cập tới gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng được tờ VnEconomy dẫn lời rằng, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, đây là vấn đề trung dài hạn, không thể giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ được, bởi người dân cũng cần phải có thời gian tìm hiểu, cân nhắc các lợi ích, khả năng tài chính, trả nợ… |
- Phạm Thanh