Hơn 20 năm qua hai mẹ con chị Phạm Thị Huệ ngụ tại thôn 4, xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hóa sống lay lắt trong căn nhà hoang lạnh cùng nhiều căn hầm bí ẩn. Do cả hai mẹ con “sợ” tiếp xúc với người lạ nên một người cháu họ sống ở nhà gần bên đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến nơi ở của bà Huệ. Men theo lối nhỏ vào ngôi nhà, chúng tôi hết sức bàng hoàng trước những gì đang phơi bày ngay trước mắt.
Căn nhà khá cũ kỹ, tối tăm, phía trên mái ngói phủ một màu đen của bụi và mạng nhện, dưới nền là cả một “bãi chiến trường” với đầy đủ các loại vật dụng. Trông thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Lê Viết Ngọc (52 tuổi, cháu họ của bà Huệ) nói: “Bãi chiến trường này là do con trai cô Huệ tạo nên đấy. Mọi đồ đạc trong nhà từ chiếc radio, đồng hồ, đèn pin, đến đường dây điện đều bị thằng Hạnh tháo tung ra để nghiên cứu. Chính vì sợ nguy hiểm đến tính mạng của em nó nên gia đình không dám nối điện”.
Hai mẹ con bà Huệ đều mắc bệnh tâm thần. |
Nhìn người đàn ông râu để dài trên khuôn mặt gầy guộc, đôi mắt thất thần, chúng tôi không thể tin nổi năm nay anh mới 36 tuổi. Chứng kiến cảnh tượng này ai nấy đều xót xa trước hoàn cảnh éo le của hai mẹ con đều mắc bệnh tâm thần.
Năm nay bà Phạm Thị Huệ đã bước sang tuổi 64, không còn khả năng lao động và tự chăm sóc bản thân. Hồi còn là cô gái tuổi đôi mươi sung sức, bà Huệ từng đi dân công ở khắp các huyện miền núi như Ngọc Lặc, Lang Chánh. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, đến năm 1979, bà trở về quê hương và sinh ra một đứa con trai duy nhất tên là Phạm Văn Hạnh.
Cũng từ ngày trở về, bà Huệ luôn ở trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, lúc nào cũng ngồi một mình nói nhảm. Đôi khi tỉnh táo, bà ra đồng làm ruộng, đi nhặt phế liệu để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học.
Hai mẹ con ngày qua ngày rau cháo nuôi nhau, tưởng chừng mọi tai ương qua đi, bất ngờ cậu con trai mới 15 tuổi của bà Huệ bỗng dưng có nhiều biểu hiện khác lạ, lúc thì ngơ ngác, có lúc cáu gắt, chửi lẩm bẩm suốt ngày, nặng hơn là đuổi đánh mẹ.
Nơi ở của anh Hạnh là 3 căn hầm tối tăm. |
Trước đây, anh Hạnh học rất giỏi lại ngoan nên được cả làng khen ngợi. Thế nhưng, học hết lớp 9 thì không hiểu sao anh lại có triệu chứng mắc bệnh tâm thần, và rồi ai nấy cũng đều nuối tiếc.
Từ ngày mắc bệnh tâm thần, anh Hạnh cứ lầm lũi trong căn buồng chật hẹp, tối tăm rồi đóng cửa đào bới, xây dựng cho mình những căn hầm kỳ quặc trên nền nhà và trong lòng đất. Cầm theo chiếc đèn pin, chúng tôi cùng ông Ngọc vào trong buồng thăm nơi ở của anh Hạnh.
Anh có sở thích rất “dị”, đó là những căn hầm do anh tạo ra cũng chính là nơi trú ngụ của anh. Trong 3 căn hầm tối tăm, đồ đạc của người đàn ông có biệt danh “người rừng” này chủ yếu là đồ dùng học tập như bút, dây điện, hệ thống mô tơ, đồ điện cũ,… tất cả đều được anh sử dụng làm đồ chơi hoặc thí nghiệm. Thấy chúng tôi tò mò về nơi ở của mình, anh Hạnh liền xua tay và bảo ra ngoài nhà.
Những lúc bình thường thì hai mẹ con sống rất tình cảm, nhưng đến lúc phát bệnh lên là cả hai đều mang đồ đạc ra đập phá, chửi bới lẫn nhau. Hàng xóm chung quanh thì không dám đến hỏi thăm vì sợ bị tấn công lúc nào không hay.
Và cứ thế, hơn 20 năm qua, hai mẹ con bà Huệ dù nhiều lần mâu thuẫn vì căn bệnh quái ác quấy phá nhưng vẫn sống nương tựa vào nhau. Bà Huệ hiện không còn đủ sức khỏe để lao động, anh Hạnh thì không biết làm bất kỳ một việc gì dù là nhỏ nhặt để phụ giúp mẹ. Quanh năm hai mẹ con chỉ trông cậy vào mấy đồng trợ cấp ít ỏi của nhà nước trong khi bệnh tật lại ngày một nặng hơn.
Ông Lê Viết Ngọc buồn rầu nói: “Anh em họ hàng ai nấy cũng nghèo khó nên cũng không có tiền chạy chữa cho cả hai mẹ con. Thỉnh thoảng gia đình tôi có lon gạo, bó rau thì lại mang cho. Cứ sống lay lắt thế này thì không biết cuộc sống của hai mẹ con sẽ đi đến đâu nữa”.
Nghệ An: Lý giải về bữa cơm "nước mắt" cho người bị bệnh tâm thần (Xã hội) - (Phunutoday) - Bà Phương cho biết, hiện tại theo Nghị định 136 của Chính phủ về việc nâng mức trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. |