Khu mộ dành riêng cho thái giám
Trải qua nhiều vương triều lịch sử, câu chuyện của những người mang số phận nam không ra nam, nữ không ra nữ lại là nhưng câu chuyện đầy bi kịch đằng sau lớp vàng son nhung lụa. Thái giám thường là những cậu bé được đưa vào cung từ khá sớm, có khi chỉ mới 7 tuổi, sau khi cắt bỏ bộ phận sinh dục nam thì được dạy dỗ các nghi lễ triều đình, sau đó đưa đến phục vụ vua chúa và các phi tần, họ sẽ sống trong cung suốt đời cho đến khi già yếu sẽ nằm chờ chết ở Cung giám viện, phía ngoài hoàng cung mà không có ai chăm sóc.
Về cuối đời, do ý thức được số phận bi thảm của mình, một thái giám tên là Châu Phước Năng đã dành dụm tiền bạc, đồng thời kêu gọi các thái giám khác quyên tiền để sửa sang Thảo Am đường (vốn là nơi tu tại gia của hòa thượng Thích Nhất Định) để tìm nơi chôn cất, hương khói cho chính mình.
Việc này được vua Tự Đức và Thái hậu Từ Dũ chấp nhận, đồng thời cũng quyên góp. Vua Tự Đức đổi tên am thành chùa Từ Hiếu có nghĩa là hiếu thuận. Do đây là ngôi chùa do các thái giám quyên tiền sửa sang và là nơi an nghỉ của họ nên còn có tên dân gian là chùa thái giám.
Khu lăng mộ của chùa được chia làm 3 bậc tương ứng với vai trò và đóng góp khác nhau của các thái giám. Bậc trên cùng là thái giám Châu Phước năng, là người đề xuất và quyên góp nhiều tiền nhất cho chùa nên mộ này cũng to hơn tất cả các ngôi mộ khác. Toàn bộ khu lăng mộ có 25 ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ gió (không có thi hài), phần lớn chữ trên bia còn đọc được khá rõ, ghi tên, chức vụ, quê quán và ngày mất của thái giám nằm tại đó.
Tam quan của khu lăng mộ khá cao, ở chính giữa cổng là một tấm bia đá ghi lại cuộc đời của các thái giám, trong đó có những câu: “Khi còn sống chúng tôi nương nhờ cửa Phật, mà khi chết thì biết nương nhờ vào đâu? Nhân thấy rằng phía Tây thành có một miếng đất nên lấy gạch xây thành để có nơi thờ cúng về sau, gần với Phật mới là nơi thờ tự lâu dài, bằng hữu ốm đau có nơi chữa bệnh, ai nằm xuống có nơi để mà tống táng…”.
Mộ vua Khải Định – một trong những lăng mộ vua chúa Việt Nam độc nhất
Nếu các lăng mộ vua chúa Việt Nam thời Lê – Nguyễn mang theo các bí ẩn liên quan đến việc giữ được xác còn nguyên vẹn qua hàng ngàn năm thì lăng mộ của vua Khải Định lại mang theo những bí ẩn thiên về phong cách thiết kế. Có không ít những ý kiến xoay quanh cách thiết kế độc và có phần lạ của ngôi mộ này so với tất cả các ngôi mộ của vua chúa khác trong lịch sử.
Đó chính là một khu lăng mộ thiết kế theo khối chữ nhật nằm trên triền núi Châu Chữ thuộc phía ngoài kinh thành Huế. Khu lăng mộ có vẻ ngoài ấn tượng với 127 bậc tam cấp cùng cổng chào uy nghiêm, hùng dũng được điêu khắc những tượng rồng tinh tế. Đồng thời tất cả các trụ của cồng chào đều được làm theo hình tháp tựa như ở Ấn Độ giáo.
Tiến vào bên trong của khu lăng mộ chính là một khoảng sân rộng nối liền với 29 bậc tam cấp để dẫn đến sân chầu Bái Đình. Nơi đây có hình ảnh của một căn nhà bia ở giữa, phía hai bên là hai hàng tượng đá hình lính hướng mặt vào giữa sân. Điểm độc đáo nhất ở đây là cách xây dựng nhà bia hình bát giác có những hàng cột bát giác và vòm cửa lấy ý tưởng từ phong cách Roman và đươc biến tấu lại.
Toàn bộ đều được xây dựng bằng bê tông cốt thép chất lượng và giữ được độ bền cho đến hiện tại. Phía bên trong của nhà bia chính là một bia đá lớn được khắc tạc thông tin về vua Khải Định. Tiếp đến phía trước chính là cung Thiên định – một trong những khu kiến trúc chính được xây dựng công phu và tinh xảo. Trong cung Thiên Định sẽ có điện Khải Thành chính là nơi thờ hình ảnh của vua Khải Định. Sau đó, chính là một gian phòng lớn đặt ngôi mộ của ông.
Chính sự cầu kỳ, tinh xảo trong cách thiết kế thể hiện được sự uy nghiêm của bậc vui chúa thời xưa đã tạo nên sự độc đáo của lăng mộ vua Khải Định.