Triết lý kinh doanh “Lợi mình lợi người” của ông lão bán đậu phụ
Tư tưởng “lợi người”, nghĩ cho lợi ích của người khác không chỉ cho phép chúng ta “thắng” được sự ủng hộ của mọi người xung quanh, mà còn giúp chúng ta có được sự ưu ái và dẫn dắt ta trên con đường thành công.
Ở phía Tây của một ngôi làng thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có một ông lão bán đậu phụ vô cùng nổi tiếng. Sở dĩ ông nổi tiếng như vậy đó là bởi bất cứ ai khi tới mua đậu phụ của ông cũng đều được miễn phí một bát bã đậu, người dân có thể mang về cho gia súc gia cầm nhà mình ăn. Chính nhờ chính sách này mà ngày nào cũng vậy, đều có rất nhiều xếp hàng để mua đậu phụ của ông.
Một buổi sáng sớm nọ, một khách hàng tới mua đậu phụ, thấy trước cửa hàng đã có vài người xếp hàng.
Người khách hỏi người xếp hàng: “Bã đậu của ông ấy mỗi ngày đều có hạn, không thể đủ để tặng miễn phí cho tất cả mọi người, vậy tại sao mọi người còn vất vả xếp hàng như vậy làm gì?”
Họ đáp: “Với tất cả những người tới mua sớm, nếu như hết bã đậu, ông ấy sẽ bớt 1 xu cho nửa cân đậu phụ.”
Người khách lại hỏi: “Làm sao anh chắc chắn được rằng ông ấy cân đúng cân cho anh, lỡ như ông ấy làm gì đó với cân của mình thì sao?”
Khách hàng đáp: “Không đâu, ông ấy bán hàng ở đây đã nhiều năm rồi, rất có uy tín.”
Hôm đó, người khách cũng mua nửa cân đậu phụ về, để làm rõ phán đoán của mình, anh đã lấy cân ra cân, quả nhiên không thiếu nửa lạng.
“Tại sao ông lại có ý tưởng tặng bã đậu cho những người tới xếp hàng sớm?”, có một lần người khách đó hỏi ông lão bán đậu phụ.
Ông lão nói: “Quan trọng là có lòng biết ơn! Cậu nghĩ mà xem, đậu phụ không phải là món ăn mà ngày nào người dân ở đây cũng ăn, nhưng mọi người lại luôn rất vui vẻ bỏ tiền ra mua đậu phụ của tôi, khiến tôi có một cuộc sống tốt, vì vậy, tôi nghĩ ra hình thức này, mỗi ngày truyền tải sự biết ơn của tôi tới bà con ở đây.”
Chính người bán đậu phụ cũng không biết được rằng suy nghĩ đơn thuần này của mình đã khiến việc buôn bán của ông phát đạt tới như vậy, công việc làm ăn của ông luôn rất tốt.
Sau này, ông lão bán đậu phụ đã chuyển đi nơi khác, nghe nói là về quê nhà mình, còn người dân ở thị trấn kia thì luôn nhớ tới ông lão bán đậu phụ.
Một người nếu có tấm lòng biết nghĩ cho cái lợi của người khác, người như vậy đáng để được nhớ tới; một người nếu có suy nghĩ ích kỉ, chỉ biết làm lợi cho bản thân mà bất chấp thủ đoạn, sớm muộn cũng bị xã hội đào thải.
Triết lý kinh doanh “Chịu thiệt là phúc”
Có một câu chuyện như thế này: Ngày xưa, người ta tính 1 cân là 16 lạng, nửa cân là 8 lạng, nên có cách nói “kẻ tám lạng, người nửa cân”, ý nghĩa là hai bên ngang ngửi nhau, không hơn không kém.
Vào thời mà người xưa còn tính theo kiểu 1 cân là 16 lạng ấy, có hai hiệu buôn gạo trên phố Nam ở một huyện nọ, một hiệu buôn tên là Vĩnh Xương, còn hiệu buôn kia tên là Phong Dụ. Ông chủ hiệu buôn gạo Phong Dụ thấy thời buổi chiến tranh loạn lạc làm ăn khó khăn nên bèn nảy ra một sáng kiến kiếm thêm tiền. Một hôm, vì không muốn đám đông dòm ngó nên ông mời một bậc thầy về cân lượng đến nhà của mình, và nói với bậc thầy ấy rằng: “Phiền bậc thầy chỉnh lại vạch cân sao cho 1 cân là 15 lạng rưỡi, tôi sẽ trả ngài thêm một xâu tiền.”
Bậc thầy cân lượng này chỉ vì sâu tiền đã quên đi đạo đức nghề nghiệp, lại còn vui vẻ đồng ý. Ông chủ hiệu buôn nói xong thì để bậc thầy một mình ở lại trong sân để chỉnh cân, còn mình thong thả đi ra cửa hàng tiếp tục buôn bán.
Ông chủ hiệu buôn gạo có 4 người con trai, các con đều phụ giúp ông trông coi cửa hàng. Cách đây hai tháng, con trai út cưới vợ là con gái của một thầy giáo trường tư thục.
Cô con dâu mới đang thêu thùa trong phòng, tình cờ nghe được những gì cha chồng nói với bậc thầy cân lượng. Sau khi cha chồng ra ngoài, cô con dâu trầm ngâm suy nghĩ một lúc, rồi vội bước ra khỏi gian phòng, nói với bậc thầy cân lượng rằng: “Cha tôi già rồi chắc có chút hồ đồ lẩm cẩm, vừa nãy nhất định nói nhầm. Thỉnh ngài chỉnh 1 cân là 16 lạng rưỡi, tôi sẽ gửi Ngài thêm 2 xâu tiền nữa. Có điều, Ngài đừng để cha tôi biết nhé.”
Vì được thêm 2 xâu tiền nữa mà bậc thầy cân lượng đã đồng ý với cô con dâu. Chiếc cân với định lượng 1 cân 16 lạng rưỡi rất nhanh được hoàn tất, và bậc thầy cân lượng quả thật cũng không nói với ông chủ hiệu buôn về sự thay đổi này. Vì người chủ hiệu buôn gạo đã nhiều lần nhờ bậc thầy chỉnh sửa cân nên tin tưởng vào tay nghề của ông, ông chủ bèn mang chiếc cân mới ra cửa hiệu sử dụng ngay trong ngày.
Chẳng bao lâu, việc kinh doanh của hiệu buôn gạo Phong Dụ phát đạt hẳn lên, ngay cả khách quen của hiệu buôn gạo Vĩnh Xương cũng ùn ùn kéo đến, hết người này đến người khác chuyển sang mua gạo ở Phong Dụ.
Qua một thời gian nữa, người ở phố Đông, người ở phố Tây, hầu như ai ai cũng đều bỏ gần tìm xa, từ mọi nẻo đường tìm đến Phong Dụ mua gạo. Lúc này, không cần phải nói, hiệu buôn Vĩnh Xương ở đối diện vô cùng vắng vẻ, nói vui một chút, trước cửa có thể giăng lưới bắt chim cũng còn được.
Đến cuối năm, hiệu buôn gạo Phong Dụ làm ăn phát đạt, còn hiệu buôn gạo Vĩnh Xương không thể duy trì tiếp tục được nữa, đành phải sang nhượng lại cửa hàng cho ông chủ Phong Dụ.
Vào đêm giao thừa, cả gia đình quây quần bên nhau cùng ăn sủi cảo. Ông chủ hiệu buôn trong lòng cao hứng bèn đố mọi người, xem ai có thể đoán đúng bí mật phát tài của mình. Mọi người bàn tán xôn xao, có người nói rằng ông Trời phù hộ, có người cho rằng ông chủ quản lý tốt, có người cho rằng vị trí phong thủy tốt, có người cho rằng đó là công sức của cả gia đình.
Ông cười ha ha và nói: “Ai cũng nói sai cả rồi. Chúng ta dựa vào cái gì để phát tài nhỉ? Đó là dựa vào cái cân! Cái cân của chúng ta định là 1 cân là 15 lạng rưỡi, cứ 1 cân gạo bán ra thì thiếu đi nửa lạng, mỗi ngày bán vài trăm đến vài nghìn cân thì kiếm được thêm vài trăm đến vài nghìn quan tiền, ngày ngày tích lũy, tháng tháng tích lũy, vậy là chúng ta phát tài rồi.”
Sau đó, ông kể lại câu chuyện hồi đầu năm đã trả thêm một xâu tiền để chỉnh lại cái cân cho cả nhà nghe.
Con cháu nghe xong, ngạc nhiên đến mức quên cả ăn sủi cảo. Sau giây phút bất ngờ, cả nhà đều nói ông thật cao minh biết mấy, âm thầm kiếm được rất nhiều tiền, chẳng hề lộ tung tích, ngay cả người trong nhà cũng không hề phát giác ra chuyện này. Ông chủ hiệu buôn đắc ý, vừa cười khà khà, vừa nhàn nhã vuốt râu hết lần này đến lần khác.
Lúc này, cô con dâu thứ tư mới từ từ đứng dậy và thưa với cha chồng rằng: “Con có một chuyện muốn nói với cha, trước khi nói, mong cha hứa hãy thứ lỗi cho con.” Đợi cha chồng gật đầu, cô con dâu mới từ tốn kể lại cho gia đình nghe câu chuyện đầu năm đã thêm hai xâu tiền để thay đổi 1 cân thành 16 lạng rưỡi.
Cô nói: “Cha nói đúng, chúng ta kiếm tiền từ cái cân. Cân của chúng ta nhiều hơn nửa lạng, khách hàng biết rằng hiệu buôn chúng ta kinh doanh thật thà và họ đều muốn mua gạo của chúng ta, thì tất nhiên việc kinh doanh của chúng ta sẽ phát đạt. Mặc dù mỗi cân gạo lãi ít đi một chút, nhưng lợi nhuận sẽ lớn hơn khi chúng ta bán được nhiều hơn. Chúng ta dựa vào sự thành thật mà phát tài ạ.”
Mọi người càng kinh ngạc và há hốc, không gian chợt im bặt. Mọi người đưa mắt nhìn nhau, bấy giờ ông chủ hiệu buôn không tin chuyện này là thật, bèn lấy cái cân mà mình bán gạo mỗi ngày ra kiểm tra thử, quả thật 1 cân 16 lạng rưỡi.
Ông ấy ngẩn cả người, không nói một lời nào, chậm rãi đi vào phòng ngủ của mình. Sáng hôm sau, ngay khi cả nhà dùng bữa sáng đầu năm xong, ông chủ hiệu buôn tập hợp cả gia đình lại, rồi chầm chậm tháo chìa khóa cửa hàng ra khỏi dây thắt lưng và nói: “Ta già rồi, vô dụng rồi. Ta đã nghĩ về chuyện này cả đêm qua, nay quyết định giao lại chìa khóa cửa hàng cho con dâu thứ tư quản lý, từ nay về sau mọi người đều nghe lời cô ấy đấy!”
Chịu thiệt không phải là việc không tốt, “chịu thiệt là phúc”, “thiện hữu thiện báo” là có thật. Mỗi người đều là cán cân, chênh lệch giữa hai nửa lạng ấy, trong lòng mỗi người thấu tỏ như gương. Chúng ta kinh doanh bất kể ngành nghề gì đều phải chú ý đến thật thà, chẳng phải làm người đều nên vậy sao?
Hiểu được tầm quan trọng của việc suy nghĩ đến và mang lại lợi ích cho người khác và áp dụng nó vào đãi ngộ với nhân viên, Kyocera sau đó đã phát triển vô cùng nhanh chóng.