Trách dân chẳng tự giác mở ví để CSGT "kiểm tra"

13:37, Thứ bảy 08/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong xã hội hiện nay, việc CSGT nhận mãi lộ có lẽ đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân. Mà theo lẽ thường, trước những vấn đề không mới như vậy, dư luận sẽ chẳng mấy quan tâm.

Thế nhưng, mới đây dư luận cả nước đã có một phen xôn xao, bàn tán ầm ĩ sau khi một tờ báo mạng đăng bài viết kèm theo clip phản ánh “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường”. Thế mới biết, người ta vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng ngày đêm vất bảo vệ an toàn giao thông mà bồi dưỡng chỉ đủ mua "ổ bánh mỳ" này.

Theo đó, vào ngày 4/3, một tổ bốn CSGT Hàng Xanh thuộc PC67 đã bị ghi hình dừng xe sai quy trình, liên tục "làm luật" các phương tiện vi phạm một cách chóng vánh mà không cần có biên bản ký nhận. Thậm chí, CSGT còn vạch ví của người vi phạm để "kiểm tra".

Mô tả ảnh.
Ảnh cắt từ clip “CSGT Hàng Xanh thản nhiên vạch ví lấy tiền người đi đường”.

Bốn CSGT đã được xác định, gồm Thượng úy Trần Lê Công Thành làm tổ trưởng với ba thành viên khác có cấp hàm trung úy (hai CSGT) và thiếu úy. Qua tường trình, các CSGT đã thừa nhận không thực hiện theo đúng quy trình xử lý vi phạm như không chào người dân, không đeo bảng tên, không lập biên bản, dừng một lúc nhiều xe. Tuy nhiên, riêng hành vi mãi lộ, “săm soi” ví của người dân, các CSGT này không thừa nhận.

Đến thời điểm hiện tại, dù vẫn có những tranh cãi xung quanh vụ việc và chưa có hình thức kỷ luật chính thức. Thế nhưng rút kinh nghiệm từ đó, người ta đã xoay sang bàn bạc với nhau cách ứng xử khi bị CSGT "kiểm tra" ví.

Và rồi bất ngờ đã xảy ra khi thay vì lên án các chiến sĩ CSGT vạch ví lấy tiền (mà có nói cũng chẳng được gì), nhiều người lại cứ khăng khăng trách dân mình dại, không biết khôn khéo mà tự giác vạch ví, đưa ra cho CSGT "kiểm tra".

Mới nghe qua, có lẽ mọi người sẽ thấy vấn đề không hợp lý lắm. Làm gì có chuyện CSGT đã ngang nhiên "làm luật" sai quy định lại còn vạch ví người dân mà chẳng ai nói gì. Thế nhưng chỉ cần nhìn rộng rãi một chút thôi, mọi người sẽ thấy ngay được sự hợp lý vô cùng. 

Này nhé, cái chuyện nhận mãi lộ, "làm luật" như đã nói ở trên đã là quá quen thuộc với người dân Việt Nam rồi. Chỉ trích, lên án dân cũng đã nhiều năm rồi mà có ăn thua đâu. Vậy nên người ta phải chuyển sang phương án khác, nói đối tượng khác thôi. Người Việt chẳng có câu "trời không chịu đất thì đất phải chịu trời" còn gì.

Và tất nhiên, đối tượng cần nói đến ở đây chính là những người vi phạm giao thông.

Đầu tiên phải làm rõ một điều là nếu mọi người đều chấp hành đúng luật giao thông thì CSGT cũng chẳng thể bắt phạt gì được. Thế nhưng mọi người lại mắc lỗi quá nhiều. Mà đã sai thì bị bắt đứng lại kiểm tra, xử phạt là không hề oan ức.

Vấn đề thứ hai nghiêm trọng hơn là đã sai rành rành lại còn không khôn khéo. Khi bị CSGT "hỏi thăm" thì cần phải nhanh nhẹn nắm bắt được ý nghĩ của họ để trường hợp của mình được giải quyết nhanh chóng, dễ dàng. Đằng này người vi phạm lại không khôn ngoan, nhanh nhẹn khiến CSGT không hài lòng.

Như trường hợp ở Hàng Xanh, nếu người vi phạm nhanh ý đưa cả ví cho CSGT "kiểm tra" thì có lẽ mọi chuyện đã không ầm ĩ lên như vậy.

Trên thực tế, từ trước đến nay CSGT đã có kinh nghiệm trong việc "chung chia" với người dân nghĩa là họ hiểu được nỗi khổ của dân mà bớt tiền phạt đi. Từ đó có thể suy ra nếu cho CSGT xem cả ví thì họ sẽ có sự xử lý phù hợp (và kinh nghiệm truyền tai nhau khi đi trên đường là để ít tiền trong ví thôi hoặc chia nhỏ số tiền mình có ra nhiều túi).

Chỉ cần biết tự giác mở ví cho CSGT xem mỗi khi bị "kiểm tra" như vậy, chắc chắn mọi người sẽ gây được thiện cảm với CSGT. Và có như vậy người vi phạm mới có hy vọng được "giơ cao đánh khẽ", giải quyết nhanh chóng còn đi làm việc kiếm bù lại khoản tiền vừa bị mất. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông