Đừng tiếc vài tiếng để mất cả đời

09:44, Thứ tư 12/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Dù ngày nào cũng có người ước thời gian quay trở lại nhưng chuyện đó là không thể. Vậy nên rất mong các cơ quan, cá nhân thực thi triệt để chỉ đạo đảm bảo an toàn của bộ trưởng giao thông. Đồng thời hành khách cũng đừng tiếc thời gian cho các biện pháp an toàn kỹ thuật để không có lời cầu nguyện cho những chuyến bay về sau.

Sự biến mất của chiếc máy bay Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia được đánh giá là vụ mất tích máy bay bí ẩn nhất thế giới. Thật khó hiểu khi chiếc máy bay đã bỏ bầu trời mà không có cảnh báo hay bất cứ tín hiệu cấp cứu nào. Nhưng điều đáng sợ hơn chính là nỗi ám ảnh ở những chuyến bay còn lại.

Quý vị thử tưởng tượng mà xem hàng ngày trên thế giới có hàng vạn chuyến bay. Thế nhưng sau vụ việc, không ai không lo lắng, thậm chí ám ảnh khi mình chính là hành khách, đánh cược mạng sống trong từng chuyến bay.

Mô tả ảnh.
Máy bay Boeing 777-200 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. (Ảnh: Guardian)

Đáng mừng là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã có một phản ứng cực nhanh ngay sau vụ mất tích, đó là chỉ đạo Cục Hàng không đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1 và các cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an ninh, an toàn hàng không tại các khu vực.

Dường như vụ mất tích máy bay từ Malaysia như một sự đánh thức cho tất cả những ai có trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực này. Và một người nhanh nhạy như Bộ trưởng Thăng cũng đã "giật mình", ngay lập tức có công văn chỉ đạo từng cán bộ, kỹ sư phụ trách an toàn hàng không Việt Nam phải cẩn trọng.

Có lẽ quý vị còn nhớ cách đây không lâu, sự cố bánh máy bay ATR72 của Vietnam Airlines rơi ở sân Cát Bi xảy ra hồi cuối tháng 10 đã khiến dư luận cả nước xôn xao như thế nào. 

Theo đó, vào ngày 21/10, chiếc ATR-72 của Vietnam Airlines mang số hiệu đăng ký quốc tịch VN-B219 cất cánh từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) thực hiện chuyến bay mang số hiệu VN1673 đi Đà Nẵng chở theo 41 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn bị phát hiện gãy càng mũi và lốp đã bị rơi ra. Mặc dù rất may máy bay vẫn hạ cánh an toàn bằng một bánh mũi còn lại xuống sân bay Đà Nẵng và sự việc chỉ được phát hiện ra khi máy bay đã hạ cánh. Thế nhưng vụ việc đã để lại những nỗi lo lắng rất lớn đối với hành khách sau đó.

Vậy nên, không loại trừ công việc kiểm tra an ninh, an toàn kỹ thuật cho các chuyến bay bị xao lãng. Mà chỉ cần một phút giây xao lãng, cái giá phải trả là vài trăm sinh mạng và hậu quả rất lớn sau đó. 

Chính vì vậy việc đảm bảo an toàn hàng không cần phải được đảm bảo thường xuyên và liên tục. Mỗi người có trách nhiệm ở các cơ quan, bộ phận, vị trí khác nhau liên quan đến hàng không của đất nước, nên tự kiểm điểm đồng thời rút kinh nghiệm để có thể cẩn thận, nhạy cảm hơn trong công việc.

Bên cạnh đó, có lẽ quý vị cũng không còn lạ lùng với những lời than phiền, thái độ khó chịu của các hành khách đi máy bay mỗi khi có thông báo máy bay trễ giờ vì kiểm tra an ninh, an toàn kỹ thuật...

Thế nhưng, mọi người chớ có bày tỏ thái độ khó chịu hay bất hợp tác. Bởi khi nhân viên an ninh quá khó khăn khi làm thủ tục kiểm tra giấy tờ và hành lý hay chậm giờ bay là họ đang thực hiện trách nhiệm bảo vệ an ninh cho chuyến bay, an toàn cho hành khách và bảo vệ uy tín cho ngành hàng không của nước nhà. 

Trong cuộc sống hiện đại, ai cũng rất bận rộn với những kế hoạch, những công việc của mình. Thậm chí, với nhiều người thời gian còn là vàng bạc bởi họ có thể kiếm hàng đống tiềm chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Có điều mỗi người chúng ta chỉ sống được một lần, và dù ngày nào cũng có người ước giá như, ước thời gian quay trở lại nhưng chuyện đó là không thể. Vậy nên rất mong các cơ quan, cá nhân thực thi triệt để chỉ đạo đảm bảo an toàn của bộ trưởng giao thông. Đồng thời hành khách cũng đừng tiếc thời gian chờ đợi cho các biện pháp an toàn kỹ thuật để không có lời cầu nguyện cho những chuyến bay về sau. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông