Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. |
Mành mành dày đặc những mảnh vỡ bằng gốm của di sản vang lên thanh âm lách tách và cả những vết cứa có khi rách thịt. Trên đầu, những khung nhà ám khói đen trũi. Dưới chân, mảnh kính sắc nhọn rải đầy sàn nhà. Những dấu bàn tay màu trắng in hằn trên thân cây cháy dở đen nhẻm. “XY mãi mãi bên nhau”.
Đây là đoạn văn mà một tờ báo mô tả về buổi trình diễn “Ký ức nhà Lang” trên chính nền ngôi nhà Lang cuối cùng đã cháy trụi khi một “đôi chim chuột” chơi trò nướng ngô nửa tháng trước.
Bài báo đã nói đúng, rằng trước khi chìm vào biển lửa, nhà Lang trước đó đã chìm sâu vào sự lãng quên khi di sản văn hóa duy nhất còn sót lại đó, từ lâu đã chỉ còn là chỗ chim chuột đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Chỗ chim ị, chuột chạy và chỗ để người ta chim chuột.
Bên cạnh sự vô tâm trong hình hài một bắp ngô. Cái lối cướp đường để chạy của thủ phạm, và cả sự im lìm của cơ quan chức năng sau đó đang là một biểu hiện của lối ứng xử mà giờ đây đã xuống tận đáy về văn hóa.
Sáng 19/11, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã rành rọt yêu cầu: Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nói về “Đạo đức xã hội xuống cấp”.
Và trước ống kính truyền hình trực tiếp sau đó, Bộ trưởng Văn hóa 5 lần lặp đi lặp lại hai chữ “bộ phận”: Một bộ phận đạo đức tha hóa, xuống cấp.
Đây là những gì gọn gàng dễ hiểu nhất được nhặt ra từ bài phát biểu nghị trường đó:
“Không ít trường hợp vụ lợi, chạy theo đồng tiền mà quên đi những giá trị nhân bản”
“Chúng ta không thể nào bỏ qua điều này. Chúng ta xác định văn hóa là nền tảng XH, văn hóa là cái gốc của mọi vấn đề.
Trong nguyên nhân chủ quan có vấn đề nhận thức và BT đề nghị bà con cử tri hết sức quan tâm đến vấn đề này.
Một bộ phận đạo đức tha hóa, xuống cấp. Đây là vấn đề hết sức nhức nhối.
Đưa sản phẩm không thật ra thị trường là việc làm hết sức giả dối, cần phải phê phán.
Văn hóa yêu cầu rất cao ở tính gương mẫu. Chúng ta nói ít làm nhiều sẽ thiết thực hơn.
Văn hóa cũng như một mặt trận vậy. Chúng ta có thể xây một TP mất vài năm. Nhưng xây dựng văn hóa ứng xử có thể mất hàng trăm năm. Vấn đề là ở từng gia đình.
Bản chất của VH là đòi hỏi con người với con người, con người với thiên nhiên, từ thể xác tới tâm hồn.
Tới đây, Quốc hội bật cười. Còn Bộ trưởng hăng hái nói thêm tới 5 cái gạch đầu dòng và một cái cuối cùng.
Thật ra, cũng có một điều gắn với thời sự thực tế mà cử tri có thể hiểu. Nguyên văn “Cần xây dựng đạo đức lối sống, đòi hỏi chuẩn mực, nguyên tắc ứng xử mà… thủy điện chưa làm đúng đắn”.
Nhưng cuối cùng, làm thế nào để đạo đức, để văn hóa xã hội khỏi xuống cấp? Thật khó đoán.
Thưa Bộ trưởng Văn hóa!
Văn hóa không thể bảo tồn bằng cách bắc cặp kính soi vào nhũ hoa của các ca sĩ trên sân khấu.
Văn hóa không thể cứu vãn bằng cách đợi di sản cháy trụi rồi mới làm triển lãm để cảnh tỉnh.
Văn hóa, không thể giữ gìn bằng sự xa rời thực tế, như lập luận bảo người già tè dầm là xúc phạm người già, như cái cách mà ngành văn hóa vừa hôm qua từ chối cấp phép cho triển lãm Mảnh Sống
Và văn hóa, càng không thể tạo ra bằng một bài giảng mỹ học cho học sinh vỡ lòng, được nói trước Quốc hội.