Con dấu nhà nước và chuyện Bộ trưởng Luận bị kiện

12:44, Thứ ba 19/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục đang “lĩnh ấn” trong công cuộc đổi mới nền giáo dục, nhưng chính Bộ cũng đang có những biểu hiện bất thường, đó là thông qua hội đồng… để công nhận và cấp bằng tiến sĩ cho ông Quế.

Rồi sau này cũng chính là một thành viên của hội đồng kiến nghị ngược, Bộ lại ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp. Vậy là ngày hôm nay người ta nói đúng thì Bộ đồng ý là đúng, ngày mai người ta nói sai Bộ cũng đồng ý là sai? Con dấu của Bộ Giáo dục đâu thể đóng bừa phứa như vậy?

Gần sáu tháng trước, ông Hoàng Xuân Quế – phó Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng (ĐH Kinh tế Quốc dân) bị tố cáo sao chép tới 52,5/159 trang nội dung của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng) trong một đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ đã thực hiện cách đây 10 năm.

Sau khi ra dự thảo kết luận, bộ Giáo dục bị ông Quế phản đối kịch liệt, nhưng vào ngày 11/10, ông Bùi Văn Ga – thứ trưởng Bộ Giáo dục đã ký quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế.

  Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bị cán bộ của chính ngành giáo dục kiện ra tòa là một sự kiện hy hữu của ngành giáo dục. Ảnh Việt Dũng/Tuổi trẻ

Và từ quyết định này, bộ trưởng Bộ GD Phạm Vũ Luận bị ông Hoàng Xuân Quế kiện ra TAND Thành phố Hà Nội. Tòa Hà Nội đã thụ lý, và ông Luận cũng đã giao quyền cho cấp dưới thay mặt giải quyết.

Có lẽ, trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam thì chuyện Bộ trưởng bị chính cán bộ ngành mình quản lý kiện ra tòa là rất hiếm. Trong vụ việc này có hai điều "hài hước", có lẽ sẽ bất lợi cho người bị kiện: Thứ nhất, ông Mai Thanh Quế (người bị coi là “nạn nhân”) đã lên tiếng khẳng định ông Hoàng Xuân Quế không “ăn cắp” nội dung luận án của mình. Thậm chí còn có văn bản gửi tới bộ Giáo dục cho biết, đã đồng ý khi ông Hoàng Xuân Quế xin phép sử dụng một số kết quả nghiên cứu đã công bố trong luận án của mình.

Điều "hài hước" thứ hai, bà Dương Thu Hương – nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam, phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (người được bộ Giáo dục mời phản biện kín luận án của ông Hoàng Xuân Quế) cũng cho rằng, kết luận của bộ Giáo dục luận án của ông Hoàng Xuân Quế trùng lặp nguyên văn với một số phần của ông Mai Thanh Quế là không có cơ sở.

Khoan hãy bàn đến chuyện ai đúng, ai sai, và bàn tới chuyện đó lúc này có lẽ cũng không cần thiết cho lắm, vì tòa sẽ có trách nhiệm làm rõ. Nhưng có một điều mà ai cũng thấy, đó là bộ Giáo dục đang “ôm rơm” khi phải làm quá nhiều việc chi tiết, từ tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, rồi tới cả việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ, tham gia cả vào việc phong hàm phó Giáo sư, Giáo sư… Và vì vậy, chuyện bộ trưởng Phạm Vũ Luận bị kiện ra tòa cũng chẳng có gì lạ, khi mà Bộ không thể quản lý được những việc chi tiết, trong khi vẫn “ôm” tất cả.

Bình về sự kiện này, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nói rằng, việc một cán bộ của ngành giáo dục đi kiện chính Tư lệnh ngành mình là một sự kiện hy hữu ở Việt Nam, qua đó có thể thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý của ngành giáo dục.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, bộ Giáo dục đang “lĩnh ấn” trong công cuộc đổi mới nền giáo dục, nhưng chính Bộ cũng đang có những biểu hiện bất thường, đó là thông qua hội đồng… để công nhận và cấp bằng tiến sĩ cho ông Quế. Rồi sau này cũng chính là một thành viên của hội đồng kiến nghị ngược, Bộ lại ra quyết định thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Vậy là ngày hôm nay người ta nói đúng thì Bộ đồng ý là đúng, ngày mai người ta nói sai Bộ cũng đồng ý là sai? Con dấu của Bộ Giáo dục đâu thể đóng bừa phứa như vậy?

Trong câu chuyện này, hội đồng đã chấm luận án tiến sĩ của ông Quế gồm những ai, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm thì chưa thấy nói? Về mặt quản lý, bộ Giáo dục và những cá nhân được giao trách nhiệm quản lý ở mảng này sẽ chịu trách nhiệm thế nào thì cũng không đề cập?

Ông Cương đưa ra một so sánh khá thú vị cho thấy ở ta thường làm ngược với các quốc gia tiên tiến. Thí dụ, chuyện công nhận một khách sạn đạt hạng mấy sao cũng phải thông qua Tổng cục du lịch, và như vậy thì hoàn toàn có khả năng dẫn tới chuyện “chạy sao”, trong khi các nước là do Hiệp hội du lịch tự đánh giá, tất cả đều rất rõ ràng và công khai chứ không tù mù như ở ta.

Với câu chuyện cấp bằng cũng vậy, bộ Giáo dục đang làm hết tất cả, trong khi đáng lẽ phải có sự phân cấp, phân quyền cho các cơ quan chuyên môn đánh giá và chịu trách nhiệm, mà cụ thể là các Viện nghiên cứu, các trường đại học… còn nếu Bộ đã giành quyền này thì chính Bộ cũng phải chịu trách nhiệm nếu như không kiểm soát được sự việc.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tiếp tục phát hiện ra hàng trăm bằng thạc sĩ, tiến sĩ đạo văn, sao chép? Điều đó chẳng phải là vai trò quản lý Nhà nước của Bộ đang có lỗ hổng quá lớn hay sao?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Mai Mai