Buồn thương học sinh Việt lại được vinh danh học giỏi

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Không đáng buồn hay sao khi các học sinh nước ta dù liên tục được đánh giá là thông minh, học giỏi, nhưng ngành đào tạo ở nước ta lại không đáp ứng được nhu cầu của xã hội?

Bộ GD-ĐT vừa công bố kết quả khảo sát PASEC 10. Kết quả này lại một lần nữa chứng minh học sinh Việt Nam học giỏi.

Ngày 26/2 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố kết quả khảo sát Pasec 10. Đây là chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Confemen (Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp).

Theo kết quả được công bố, ở lớp 2, các bài kiểm tra là quá dễ đối với học sinh ở cả đầu năm và cuối năm.

Mô tả ảnh.
Học sinh tiểu học Việt Nam rất giỏi Toán và tiếng Việt.

Trên thực tế đã có hơn nửa số mục của bài kiểm tra đầu năm học (đầu vào) đã được ít nhất 90% học sinh trả lời đúng; tất cả các học sinh Việt Nam, kể cả các học sinh yếu nhất, đều làm chủ được năng lực ở cấp độ thấp và cao được đo lường qua các bài kiểm tra môn tiếng Việt và môn Toán.

Đối với lớp 5: 90,7% học sinh ở lớp 5 đã có được các năng lực được đo lường trong bài kiểm tra môn tiếng Việt. 50,1% học sinh đã đạt được tất cả những năng lực được đo trong bài kiểm tra môn Toán.

75% học sinh đã có sự tiến bộ bình quân là +42 điểm trong năm học, điều này cho phép các em thực hiện những nhiệm vụ bổ sung.

Khỏi phải nói khi kết quả này được công bố người Việt đã tự hào như thế nào về con em mình. Lâu nay chuyện "con hát mẹ khen hay" đã trở nên nhàm chán bởi đều như vắt chanh, năm nào các báo cáo của ngành giáo dục cũng ngập tràn tự hào vì chất lượng dạy tốt học tốt. 

Nhưng lần này thì khác. Kết quả được đưa ra chương trình phân tích các hệ thống giáo dục của Confemen (Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục các nước sử dụng tiếng Pháp), nghĩa là theo tiêu chuẩn quốc tế chứ có phải thường đâu. 

Hơn nữa, chỉ vài tháng trước đó, giáo dục Việt Nam cũng đã đạt được kết quả rất cao (cao hơn cả những nước phát triển hàng đầu như Anh, Mỹ cơ đấy). Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 3/12/2013, trình độ khoa học của học sinh Việt Nam đứng vào hàng thứ 8 trong 10 nước có điểm số cao nhất thế giới. 

Phải nói rằng có kết quả cao như vậy là chuyện đáng mừng quá còn gì. Thế nhưng tôi lại chẳng thể nào vui nổi trước thông tin học sinh nước ta lại được vinh danh học giỏi. Vừa buồn, lại vừa thương bởi phía sau sự vinh danh ấy là những gánh nặng, áp lực lớn đè lên tuổi thơ hồn nhiên của các em.

Ở Việt Nam nhà trường và các bậc phụ huynh thường kỳ vọng rằng con em mình có năng lực hơn người, sẽ đỗ đạt giải này giải kia. Vậy nên các em phải nai lưng ra học từ 7h sáng đến 9h đêm mới về. Học thường thì nhồi nhét kiến thức, đến lúc đi thi lại luyện đề, học tủ. Vậy nên thi thố không điểm cao, kết quả tốt mới là lạ.

Có điều ở các nước khác, học sinh đi học càng ngày càng khỏe khoắn, có đầu óc sáng tạo, độc lập còn học sinh chúng ta thì thể lực đã yếu kém lại còn mắt cận, lưng còng ngày càng nhiều.

Học sinh Việt Nam học xong phổ thông thì cái gì cũng biết nhưng lại không thể ứng dụng được những gì đã học vào thực tế. Vậy nên mới có không ít học sinh học rất giỏi nhưng lại không biết bơi, không biết bảo vệ môi trường sống, không biết cách xử lý tình huống khẩn cấp, nguy hiểm, không hiểu gì về an toàn giới tính ....

Và điều đáng buồn hơn nữa đó là khi lớn lên phần lớn học sinh Việt Nam lại không làm được việc. 

Hàng năm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam thì không thiếu nhưng tìm ra các công trình nghiên cứu có thể ứng dụng thực tế thì khó như mò kim đáy bể.

Các tổ chức quốc tế lớn tại Việt Nam lại cảnh báo về chất lượng đào tạo, sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, đặc biệt nguồn nhân lực trong các lĩnh vực đầu tư trọng yếu như: công nghệ thông tin (CNTT), tài chính, quản trị.

Trong một báo cáo của ĐH Harvard (Mỹ) vào năm 2008, các tác giả lấy trường hợp của Intel như một ví dụ điển hình. Trong cuộc kiểm tra với 2.000 sinh viên ngành CNTT (công nghệ thông tin) thực hành kiểm tra, lắp ráp chíp định kỳ và chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ tiếng Anh để được tuyển.

Tình hình càng bi đát hơn khi theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin - Truyền thông quốc gia, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

Không đáng buồn hay sao khi các học sinh nước ta dù liên tục được đánh giá là thông minh, học giỏi, nhưng ngành đào tạo ở nước ta lại không đáp ứng được nhu cầu của xã hội?

Vậy nên thay vì suốt ngày vỗ ngực tự hào rằng chúng ta nghèo mà học giỏi hãy tự hỏi sao giỏi thế vẫn nghèo để rồi nhìn thẳng vào nền giáo dục còn còn yếu kém của nước nhà.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn