Trách ai khi người Việt mất niềm tin vào vaccine?

18:45, Thứ hai 17/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - 7 tháng sau vụ 3 trẻ sơ sinh t.ử v.ong sau khi tiêm vaccine viêm gan B, ngành y tế trả lời mù mờ là “chưa rõ nguyên nhân”, người bị đình chỉ được trở lại nhiệm sở. Chỉ có gia đình các em vẫn gửi đơn đi trong tuyệt vọng và người dân thì ngày càng mất niềm tin vào vaccine.

Mấy ngày gần đây, dư luận cả nước đã không khỏi ngỡ ngàng trước thông tin các nhân viên y tế bị đình chỉ vì vụ 3 trẻ bị chết oan vì vaccine ở Quảng Trị 7/2013 đã đi làm trở lại, vì ... cơ quan điều tra không tìm ra nguyên nhân.

Theo đó, vào ngày 11/2, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, giám đốc đơn vị vừa có văn bản về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bác sĩ Lê Thị Kim Phượng và y sĩ Nguyễn Thị Thuận. Đồng thời bố trí công tác và hoàn trả các quyền lợi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. 

Mô tả ảnh.
Cha của một trong ba trẻ bị nạn tại khoa sản Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị - đau đớn đưa con về sau khi khám nghiệm tử thi.

Hai cán bộ này đã trực tiếp khám và xử lý cho 3 sản phụ cùng 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine ngăn ngừa viêm gan B vào sáng 20/7/2013. Theo ông Thành, 2 cán bộ trên đã bị đình chỉ gần 7 tháng nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể dẫn đến cái chết của 3 trẻ nên phải hủy bỏ theo đúng trình tự.

Vậy là sau hơn nửa năm vụ việc khiến cả xã hội xót xa, phẫn nộ, các cơ quan chức năng mạnh mẽ vào cuộc, sớm giải thích nguyên nhân, cuối cùng câu trả lời từ cơ quan điều tra là ... một phương án trả lời rất mù mờ “chưa rõ nguyên nhân”, còn người bị đình chỉ được trở lại nhiệm sở. 

Người ta hay nói "thời gian là liều thuốc quý giá nhất" quả thật không sai chút nào. Sau tất cả những bức xúc của dư luận, nỗi đau đớn của các gia đình có trẻ tử vong, 7 tháng trôi qua mọi chuyện lại "êm đẹp" như chưa hề có gì xảy ra.

Chỉ có gia đình các em vẫn gửi đơn đi trong tuyệt vọng. Và người dân thì ngày càng mất niềm tin vào vaccine.

Trên thực tế trong thời gian vừa qua, báo chí đã phản ánh hàng loạt các vụ tử vong liên quan đến vaccine khiến nhiều người bức xúc, người nhà bệnh nhân phẫn nộ. Cũng vì thế mà nhiều người lo sợ nếu chẳng may con em mình phải tiêm phòng hay vào bệnh viện thì tính mạng sẽ ra sao?

Công bằng mà nói thì bất cứ ngành nghề gì cũng đều có “tai nạn” và đó là điều khó tránh khỏi. Với ngành y tế công rất lớn nhưng “tội” thì cũng không phải là nhỏ. Nói về công, nếu không có những thành tựu của ngành y thì làm sao nước ta khống chế thành công tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh; điều trị thành công nhiều ca bệnh nan y, khống chế những dịch bệnh lớn như SARS....

Chỉ có điều, cái “tội” của ngành y lại thấy chủ yếu xuất phát từ lỗi chủ quan của con người. 

Đơn cử như việc bảo quản vaccine, đã có qui trình rất rõ ràng, chặt chẽ, thế nhưng sau vụ 3 cháu bé tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B ở Quảng Trị, ngành y tế mới phát hiện ra rằng, nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã bảo quản vaccine sai quy trình như tủ lạnh bảo quản vaccine hay nhiệt kế theo dõi hỏng, nhân viên chưa nắm vững cấp cứu khi có sốc phản vệ... 

Hay như những vụ việc động trời như ăn bớt vaccine ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, những vụ tiêm vaccine quá hạn, rồi vụ 3 trẻ chết, 7 tháng đã qua mà chưa rõ nguyên nhân và ứng xử sau đó của ngành y tế, thì quý vị sẽ hiểu vì sao người dân lại sợ vaccine đến vậy.

Thời gian vừa qua, dư luận cả nước lại xôn xao lo ngại bởi tình trạng vì người dân sợ hãi, không dám cho con cháu đi tiêm mà đến nỗi những dịch bệnh đã bị các nước tiên tiến thanh toán từ lâu vẫn "ghé thăm" Việt Nam như: sởi, viêm màng não, tiêu chảy cấp, lao…

Nhiều người có thể trách báo chí, truyền thông reo rắc nỗi sợ hãi vào dư luận, khiến các bậc phụ huynh quá lo lắng đã lựa chọn tiêm vaccine theo yêu cầu, hay không tiêm thay vì tiêm vaccine theo diện tiêm chủng mở rộng. 

Thế nhưng nếu những “scandal”  hay khủng hoảng truyền thông của ngành y tế được giải quyết gọn gàng, nhanh chóng làm rõ trắng đen thì có lẽ người dân sẽ không phải sợ hãi hay mất niềm tin vào dịch vụ tiêm chủng mở rộng và y đức của người thầy thuốc như hiện nay.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông