CPI tháng 2 tăng thấp nhất trong 10 năm
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước.
Ở gốc so sánh khác, so cùng tháng năm trước, CPI chỉ tăng 4,65%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
CPI tháng 2 của nước ta ở mức thấp nhất trong 10 năm qua (Ảnh minh họa). |
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu do sức tiêu dùng thấp. Mặc dù tháng 2 trùng với thời điểm Tết âm lịch, thời gian mà giá cả nhiều mặt hàng thường tăng mỗi năm. Tuy nhiên số liệu lạm phát tháng 2 cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục bị kéo xuống.
Bên cạnh đó con số này còn thể hiện sức mua của dân đã cạn kiệt. Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 1/9/2013, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số tồn kho giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm đang nhích dần lên trong tháng 8 và 9, nhiều ngành sản xuất vẫn có chỉ số tồn kho tăng cao.
Như TS Lê Đăng Doanh nhận định: kinh tế vẫn chưa qua giai đoạn khó khăn nhất. CPI giảm mạnh là biểu hiện của giảm phát, sức mua của đại đa số dân cư đã đến mức kiệt quệ.
Là người Việt Nam có lẽ không một ai xa lạ với chuyện suy giảm kinh tế. Trên tivi, trên báo chí, thậm chí trong cả những câu chuyện hàng ngày ở các quán cà phê, trà đá dường như lúc nào cũng ra rả thông tin doanh nghiệp khó khăn, phá sản, vỡ nợ ...
Kinh tế khó cũng len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người dân để trở thành những vấn đề như nợ lương, tiết kiệm, cắt xén chi tiêu... Chính vì vậy mà thông tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng thấp nhất trong 10 năm qua không khiến dư luận bất ngờ.
Chỉ có điều người ta thắc mắc trước tình trạng sức mua cạn kiệt như vậy, người Việt vốn nổi tiếng chịu chơi, không tiếc tiền cho những món hàng hiệu đắt tiền, xa xỉ liệu có quay trở lại dùng tiền lẻ?
Quay lại dùng tiền lẻ
Có lẽ không cần phải nói nhiều quý vị cũng biết đến thói vung tiền, chơi ngông của người Việt vốn đã ghi dấu ấn trên thế giới lâu nay. Việt Nam chúng ta là nơi tiêu thụ bia thuộc top trên thế giới, là nơi có số lượng sân golf cũng thuộc hàng đỉnh, đồng thời cũng là nơi rất nhiều siêu xe hiện diện dù giá cao hơn hẳn gấp đôi, gấp ba so với giá thế giới.
Nói có sách, mách có chứng, theo khảo sát trực tuyến của Niesel trên 29.000 người tại 58 quốc gia, người Việt mê hàng hiệu thứ 3 thế giới với 56% số người được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bộn tiền cho hàng hiệu (sau Trung Quốc đứng đầu với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%).
Chỉ số tiêu dùng thấp kỷ lục, người Việt đến lúc quay lại dùng tiền lẻ? |
Chơi ngông, chơi sang rồi đến lúc người Việt mắc phải hội chứng tiền tỷ. Chính vì vậy mà dường như ở đâu người ta cũng diễn đạt bức tranh kinh tế xã hội đất nước bằng số lượng tiền đáng kinh hãi: tỉ, trăm tỉ, ngàn tỉ... Cả tiền thất thoát bởi tiêu cực, tham nhũng ở dự án này, công trình kia của các tổng công ty, tiền lợi nhuận các ngân hàng... cũng thế: toàn trăm tỉ, ngàn tỉ!
Những đơn vị tiền tệ 500, 1.000 đồng hình như đã bị xoá khỏi bộ nhớ một số người.
Chẳng thế mà ly trà đá, thứ thức uống phổ biến nhất với người Việt từng được ví von “đến siêu công ty Coca-Cola cũng sợ phải cạnh tranh” ở thời điểm hiện tại đã không còn ở mức 500, 1.000 nữa mà là 2.000 - 3.000 đồng. Tương tự như vậy, giá dịch vụ thông dụng nhất mà người đô thị nào cũng phải chi tiền là tiền bơm xe, gửi xe cũng bắt kịp xu thế leo trèo lên mức 2.000 đồng/bánh xe, 3.000 – 5.000 đồng/lượt gửi xe máy.
Thế nhưng "phong độ" chi tiêu ấy khó có thể duy trì trong hoàn cảnh kinh tế khó. Minh chứng rõ ràng là CPI tháng 2 tăng thấp nhất trong 10 năm qua.
Ở thời điểm hiện tại, trước một quyết định chi tiêu, dường như người việt đang phải đau đầu cân nhắc lên xuống, muốn mua cái này sẽ phải bỏ cái kia, phải thậm chí là “bóp mồm bóp miệng”.
Có lẽ đã đến lúc người Việt bỏ thói chơi ngông quay trở lại tiêu tiền lẻ rồi.