Ca đẻ "nổi da gà" của mẹ 8x, bác sĩ phải dùng máy hút thì em bé mới có thể chào đời

( PHUNUTODAY ) - Mặc dù cổ tử cung đã mở 10cm nhưng rặn mãi vẫn không ra con. Để đảm bảo tính mạng cho bé, bác sĩ phải dùng máy hút thì em bé mới có thể chào đời

Chuyện đi đẻ với mỗi bà mẹ đều là một trải nghiệm khó quên nhưng việc một em bé chào đời an toàn vẫn là quan trọng nhất. Dù có đau đớn đến mấy, khi ôm thiên thần nhỏ trên tay thì mọi mệt mỏi cũng sẽ tan biến.

Cũng giống như nhiều bà mẹ khác, chị Nguyễn Minh Uyên (hiện đang sinh sống tại Mỹ) cũng đã trải qua ca sinh không mấy dễ dàng đón con đầu lòng chào đời.

1

Chị Nguyễn Minh Uyên khi đang nằm trong phòng sinh ở Mỹ

2

Bé trai đầu lòng của anh chị khi được 2 tháng tuổi

3

Hiện tại bé đã được 3 tháng tuổi, rất kháu khỉnh và đáng yêu

Bị phản ứng phụ sau gây tê màng cứng, mẹ phải đắp tới 4 chiếc chăn nóng mới bớt run

Chị Minh Uyên cho biết, hiện tại em bé được 3 tháng và đến giờ mới có thời gian để kể lại hành trình đón con chào đời của chị.

Mình dự sinh ngày 20/04. Sáng 16/04 ngủ dậy thấy đau bụng nhẹ, mình vẫn đi lễ và đi ăn với gia đình bình thường. Đến 6 giờ chiều thấy đau nhiều hơn, đi khám trong vẫn chưa mở phân nào, bác sĩ nói về theo dõi có thể đêm nay sẽ chuyển dạ, khi nào đau 5 phút 1-2 cơn thì vào viện vì mình tập 1 nên cơn chuyển dạ sẽ lâu hơn”.

Vào khoảng 11 giờ đêm hôm đó, chị bắt đầu nhận thấy những cơn đau nặng hơn, cứ 10 phút lại có 1-2 cơn nhưng cơn đau vẫn ở mức có thể chịu được. Đến 3 giờ sáng thì chị nhận thấy hiện tượng vỡ ối, chị kêu chồng gọi bác sĩ rồi tắm rửa rồi thay đồ đi vào bệnh viện.

4

Chị nhập viện vào buổi sáng như đến đầu giờ chiều mới hạ sinh con thành công

“3 giờ 45 phút, hai vợ chồng mình có mặt tại bệnh viện. Lúc này cơn đau tới dồn dập khiến mình đi không nổi nữa phải ngồi xe lăn đẩy vào phòng sinh. 4 giờ sáng thay đồ của Bệnh viện xong, bác sĩ vào khám trong mới mở 1 phân. Mình được chườm túi nóng để giảm đau, nằm chạy máy monitor đến 7 giờ sáng thì đã mở 6 phân. Mình vừa đói, vừa đau lại ói rất nhiều, sợ mất sức không có sức rặn đẻ nên mình yêu cầu bác sĩ gây tê màng cứng.

Đến 8 giờ sáng được gây tê thì mình không còn đau nữa nên nằm hưởng thụ, còn chụp ảnh được. Dù vậy sung sướng chưa được bao lâu thì mình bị tác dụng phụ của thuốc tê, người cứ run lập cập, chồng mình phải giữ 2 chân cho mình nhưng người cứ run lên, mình lạnh nhưng lúc đó tê rồi nên cũng không cảm giác được là bị lạnh. Y tá đi lấy 4 cái chăn nóng đắp cho mình mới đỡ run”.

5

Cặp vợ chồng hạnh phúc rơi nước mắt trong giây phút con chào đời

Hai giờ sau đó, khoảng 10 giờ sáng thì cổ tử cung của chị Minh Uyên mở hết 10cm. Chị được y tá hướng dẫn cách lấy hơi để rặn đẻ.

Chồng mình giữ một chân, y tá vừa giữ một chân vừa đếm cho mình rặn, rặn hơn một tiếng đồng hồ vẫn không được, mình bị mất máu nhiều. Lúc này mình bắt đầu kiệt sức và lo con ngạt nên xin mổ nhưng bác sĩ bảo sinh thường được. Bác sĩ  nói em bé ổn, đừng lo và cho mình nghỉ một lúc để lấy sức tiếp tục chiến đấu.

Mình rặn từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều con vẫn chưa ra được. Sau đó bác sĩ phải dùng máy hút hút đầu con ra thì con có tới 2 vòng dây rốn quấn cổ, vì dây rốn bị ngắn nên mình rặn cứ bị kéo ngược lại. Bác sĩ gỡ dây rốn ra, mình rặn một hơi nữa là con chào đời. Thật sự mình không được biết trước em bé bị dây rốn quấn cổ, vì bên đây cả thai kỳ chỉ siêu âm 3 lần. Hai vợ chồng mình nhìn thấy con ra đời đều vô cùng xúc động, hạnh phúc rơi nước mắt, cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả...."

Chị Minh Uyên cũng cho biết, chị may mắn có chồng luôn ở bên cạnh quan tâm, chia sẻ với vợ trong mọi việc. "Chứng kiến toàn bộ quá trình sinh nở của mình, anh ấy căng thẳng lo lắng rất nhiều khi thấy vợ mãi vẫn chưa sinh được. Lúc đó chồng đã massage cho mình đỡ đau... Có chồng bên cạnh mình cảm thấy yên tâm và mạnh mẽ hơn rất nhiều".

6

Hình ảnh con trai chị Nguyễn Minh Uyên khi mới chào đời

7

Hình ảnh em bé hiện tại

Sau sinh, y tá đến tận nhà khám, tư vấn việc chăm sóc con

Chia sẻ thêm về ca sinh thường khá khó khăn của mình, chị Uyên cho biết vì phải dùng máy hút nên hậu quả là đầu con chị bị một cục u đến hơn 2 tháng mới hết.

“Sau khi con lọt lòng, bác sĩ đặt con lên bụng mình để da tiếp da với mẹ 30 phút rồi mới cắt dây rốn, và hướng dẫn cách cho con bú mẹ.

Mình không bị rạch nhưng bị rách nên phải khâu nhiều. Nhờ gây tê nên lúc khâu mình không bị đau. Mình thấy quyết định gây tê thật đúng trong trường hợp của mình, nếu không gây tê mình không thể nào có sức sinh thường được trong thời gian rặn đẻ quá dài như vậy.

Sau sinh gần 2 giờ, mình được chuyển qua phòng sau sinh. Một lúc sau thì bệnh viện mang đồ ăn nhẹ đến cho mình. Họ cho ăn súp thịt bò, nước cam lạnh, 1 lát bánh mì sandwich. Mình sinh ở Mỹ nên người ta không kiêng cữ như ở Việt Nam mình”.

8

Chị cảm thấy may mắn vì đã thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng

Sau ca sinh thường 24 giờ và được làm tất cả các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh thì chị được xuất viện. Về nhà, có y tá đến khám cho mẹ và em bé, hướng dẫn cách cho con bú và tư vấn rất nhiều về việc chăm con.

Chị cho biết y tá ở đây rất quan tâm đến sức khỏe và tâm lý của phụ nữ sau sinh vì sợ người mẹ bị trầm cảm. “Các bác sĩ, y tá bên này rất nhẹ nhàng và quan tâm đến tâm lý của người mẹ. Dù mình lo lắng,  căng thẳng nhưng nghe những lời nói, hành động của họ làm mình cảm thấy sinh đẻ không có gì đáng sợ và mình giống như là “super mom” vậy. Mình làm gì họ cũng nói làm tốt lắm, cố lên sắp được rùi.

Lúc mình đau quá y tá còn xoa lưng cho mình nữa. Bên đây mình đi sinh không phải mang theo gì cả, Bệnh viện cho đầy đủ tã, sữa, băng vệ sinh và đồ lót cho mẹ và bé... Mình thấy thật may mắn khi sinh con bên này”, chị Minh Uyên nói. 

9

Chồng chị Nguyễn Minh Uyên đang cho con ăn tại bệnh viện

10

Con trai kháu khỉnh 3 tháng tuổi của anh chị

Cổ tử cung mở bao nhiêu thì sinh?

Khi cổ tử cung mở rộng ra từ 1 – 4 cm, bạn sẽ cảm nhận những cơn co thắt chuyển dạ ở tần suất thấp, cách nhau từ 15 – 20 phút. Đây được gọi là giai đoạn chuyển dạ sớm, hay còn gọi là chuyển dạ tiền kỳ.

Cổ tử cung mở từ 4 – 7 cm là lúc bạn bước vào giai đoạn chuyển dạ tích cực, hay còn gọi là chuyển dạ hoạt kỳ, với các cơ gò tử cung diễn ra gần sát nhau hơn và mỗi cơ gò tử cung thường kéo dài hơn.

Cổ tử cung sẽ mở rộng từ 7 – 9 cm, đây còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp. Ở giai đoạn chuyển tiếp, em bé sẽ di chuyển xuống rất thấp, các cơ co thắt càng gây đau dữ dội và bạn biết rằng bạn sắp đến quá trình rặn sinh. Cho đến khi cổ tử cung mở rộng 10 cm, đó là lúc bạn đã sẵn sàng để sinh bé. Các bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn bạn cách rặn sinh để đẩy em bé ra ngoài.

Theo:  khoevadep.com.vn