"Đàn ông cắp chà, đàn bà làm tổ" thực tế có cách hiểu tương đồng với câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm".
Vì sao cha ông ta lại có quan niệm như vậy, bởi bấy lâu nay, người đàn ông được xem là trụ cột trong gia đình, gánh vác những phần việc quan trọng. Đàn ông sẽ đóng vai trò là người đi kiếm tiền lo toan những chi tiêu trong gia đình.
Trong đó, việc mua đất, xây nhà chính là trách nhiệm lớn nhất mà người đàn ông trong gia đình phải đảm nhận. Còn với người phụ nữ, với quan niệm, phụ nữ chân yếu tay mềm, yểu điệu, không thể làm những phần việc nặng nhọc… nên sẽ đảm nhận phần bếp núc, nội trợ, giúp con cái học hành.
Nói một cách rộng hơn, người chồng, người đàn ông trong gia đình sẽ gây dựng sự nghiệp, phấn đấu công danh sự nghiệp, còn người phụ nữ, sự nghiệp chỉ cần lo lắng vừa phải để tập trung chăm lo cho tổ ấm của mình.
Cũng từ câu nói này, mà có lẽ ta chẳng ngạc nhiên khi trong tổ ấm gia đình truyền thống người Việt, hình ảnh người phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà, chăm lo nội trợ, còn người đàn ông thường xuyên ra ngoài lo chuyện làm ăn đã trở thành hình ảnh quen thuộc.
Quen thuộc đến mức, mà nhiều người phụ nữ cảm thấy đó là niềm vui, là hạnh phúc, là trách nhiệm của mình. Còn người đàn ông coi việc: công danh sự nghiệp, cơm nước, gạo bị, tiền nong chi tiêu gia đình…là trách nhiệm của mình… hình ảnh này chúng ta càng trở thấy rõ nét hơn trong thời kỳ phong kiến…
Ấy thế nhưng, trong cuộc sống hiện nay, liệu việc dựng xây tổ ấm gia đình có phải chỉ là chuyện riêng của người phụ nữ? và những chuyện lớn như “xây nhà” liệu chỉ có người đàn ông làm được? thực tế cuộc sống đã chứng minh, hạnh phúc, “tổ ấm” trong gia đình là do cả hai cùng vun đắp dựng xây mà ở đó, cả người đàn ông và người phụ nữ cùng xây nhà và cùng xây tổ ấm.
Người phụ nữ hiện đại hoàn toàn có thể đảm nhiệm những công việc quan trọng. Đã và đang có nhiều phụ nữ thành đạt trên cương vị là những Doanh nhân, Tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn quan trọng.
Nhiều phụ nữ là cũng trở thành các Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ…có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Họ thực sự là những người “xây nhà” chẳng thua kém gì cánh mày râu. Còn với người đàn ông hiện đại, ngoài công việc xã hội, ngoài công danh sự nghiệp họ cũng sẵn lòng chia sẻ với người phụ nữ trong gia đình từ những chuyện cơm nước, giặt giũ, lo lắng cho con cái học hành… những việc mà bấy lâu nay cánh mày râu và quan niệm xã hội đã gán ghép cho người phụ nữ.
Thực tế cuộc sống, chúng ta đã chứng kiến biết bao câu chuyện đong đầy nước mắt trước những cuộc đổ vỡ trong hôn nhân gia đình chỉ vì người đàn ông mải mê “xây nhà” còn người phụ nữ chỉ chú tâm “xây tổ ấm”. Khi người phụ nữ phải chịu quá nhiều thiệt thòi, mất mát, nhường công danh sự nghiệp cho chồng…đến một lúc nào đó họ cảm thấy bị dồn nén, thiệt thòi, mất mát, đặc biệt là không nhận được sự chia sẻ buồn vui với chính người chồng chỉ biết lo công việc của mình và tất yếu dẫn đến những mâu thuẫn.
Những trận xích mích, cãi vã, thậm chí là “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” dẫn đến đổ vỡ hôn nhân. Gia đình lúc này không phải là tổ ấm nữa mà nó là nhà tù của mỗi người. Hôn nhân đổ vỡ, con cái chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Như vậy, trong cuộc sống hiện đại, câu nói của các cụ ta khi xưa, đó là: “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” giờ không còn vẹn nguyên giá trị nữa. Xét ở mức độ nào đó, câu nói này góp phần phân biệt đối xử giữa người đàn ông và người phụ nữ, gây bất bình đẳng về giới. Nói một cách thẳng thắn hơn, người đàn ông hiện đại, không chỉ biết cách kiếm tiền mà cũng phải chăm lo cho gia đình mình. Còn người phụ nữ, họ cũng đảm nhiệm cả hai trọng trách, “xây nhà’ và xây ‘tổ ấm”.
Hạnh phúc gia đình không tự nhiên mà có. Sự bền vững hôn không phải là trách nhiệm của một mình ai mà đó là trách nhiệm chung của mỗi người, trong đó vai trò của cả bố, mẹ và con cái. Sự chia sẻ của người chồng với công việc nội trợ trong gia đình sẽ giúp người vợ cảm thấy mình được chia sẻ, giảm áp lực.
Còn ngược lại, người vợ ngoài chăm lo “tổ ấm” cũng không ngần ngại kiếm tiền, lo lắng sự nghiệp-đó cũng là cách để người phụ nữ chia sẻ khó khăn, áp lực “cơm áo gạo tiền” cho chính người chồng của mình.
Rất rất nhiều tổ ấm gia đình đã tìm được giá trị hạnh phúc bền lâu trong ngôi nhà của mình khi những thành viên trong gia đình biết san sẻ công việc và cảm xúc với nhau. Tổ ấm chỉ thực sự là tổ ấm khi cả hai cùng dựng xây.