Làm cung nữ luôn là mơ ước của nhiều cô gái dân đen thời phong kiến bởi họ không phải lo cái ăn cái mặc, thậm chí còn tích luỹ được của để dành. Tuy nhiên, lựa chọn con đường này cũng có cái giá rất đắt. Hầu hết các cung nữ sau khi xuất cung đều cô độc cả đời, bất chấp họ có dung mạo hơn người và biết những phép tắc ứng xử trong cuộc sống. Tại sao vậy?
Vì sao các cung nữ sau khi xuất cung không thể lấy chồng được?
Trong thời phong kiến cổ đại Trung Quốc, hoàng cung luôn có rất nhiều cung nữ và thái giám để hầu hạ hoàng đế, hoàng hậu và các chủ tử. Công việc cung nữ này luôn là khao khát của nhiều cô gái dân đen bởi một khi đã được đặt chân vào cung, họ sẽ không phải lo nhiều đến cơm ăn áo mặc. Thậm chí nếu có tài năng, họ còn có cơ hội được những nhân vật có quyền thế trọng dụng, để có thể trở thành một người có quyền lực.
Nếu cung nữ không phạm bất kỳ sai lầm lớn nào thì sau một thời gian hầu hạ chủ tử người ấy có thể "nghỉ hưu" và xuất cung. Thông thường, các cung nữ có thể xin xuất cung khi đã đến tuổi 25. Cũng có một số cung nữ trung thành muốn ở lại để hầu hạ chủ tử hoặc được chủ tử giữ lại nhưng cũng chỉ đến khoảng 35 tuổi sẽ phải rời cung theo quy định.
Khi rời khỏi hoàng cung, với nhiều người thì cơn ác mộng trong đời họ chỉ mới bắt đầu. Khi các cung nữ xuất cung thì ở độ tuổi đó rất khó để tìm được 1 nam nhân độc thân, họ chỉ có 2 lựa chọn là trở thành vợ lẽ của người khác hoặc là không lấy chồng.
Lý do thứ nhất, thời xưa, các cô gái Trung Quốc lấy chồng rất sớm, có khi chỉ 12-13 tuổi đã được gả đi. Do đó, ở độ tuổi 25-30, họ đã được coi là khá già, không dễ dàng để tìm được đối tượng kết hôn nữa.
Lý do thứ hai là bởi các cung nữ từng phục vụ trong hoàng cung thường mắc phải "bệnh kén chọn". Mặc dù các cung nữ là những người có thân phận địa vị thấp nhưng dù sao họ cũng là những người làm việc ở nơi cung điện quyền quý, không phải người bình thường nào cũng vào được. Hơn nữa, hằng ngày họ đều hầu hạ bên cạnh những người có quyền lực địa vị, đặc biệt là bên cạnh những phi tần xinh đẹp, xúng xính với áo gấm lụa là, thế nên các cung nữ khó tránh việc cảm thấy khí thế quyền quý. Ngoài ra, sau khi xuất cung, họ còn được cấp một khoản "lương hưu", do đó khó tránh được việc xem thường những người đàn ông thường dân, chỉ mong chờ có một gia đình hào môn đến hỏi cưới mình.
Lý do cuối cùng liên quan đến sức khỏe của các cung nữ. Sau nhiều năm làm việc trong cung cấm ngột ngạt và nhiều tranh đua, âm mưu khủng khiếp, cung nữ luôn phải cẩn trọng trong mọi lời ăn tiếng nói, sợ rằng chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến bản thân rơi đầu, vì vậy sức khỏe tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, họ cũng phải thức khuya dậy sớm mỗi ngày để hầu hạ chủ nhân nên sức khỏe không tốt.
Chưa kể, một số cung nữ không may phạm phải sai lầm còn có thể bị phạt, để lại di chứng trên cơ thể, thậm chí mất đi khả năng sinh sản. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ khó lấy chồng. Trung Hoa cổ đại rất xem trọng việc nối dõi tông đường, không nam nhân nào chấp nhận cưới một người vợ không thể sinh con.
Với những lý do trên, phần lớn cung nữ sau khi rời cung sẽ phải chấp nhận sống một cuộc đời cô độc đến già. Một số kém may mắn hơn sẽ phải trở thành kỹ nữ thanh lâu để có thể sống qua ngày. Hầu hết các cung nữ sau khi xuất cung đều cô độc cả đời.
Thái giám vẫn có thể lấy vợ
Tuy làm thái giám thì sẽ mất đi cơ hội có con của chính mình nhưng thái giám vẫn có thể lấy vợ. Theo ghi chép trong sách sử, bên cạnh Hoàng đế có rất nhiều thái giám có quyền lực, tài năng, bởi vì họ quá xuất sắc nên được Hoàng đế ban hôn, nhận được sự yêu quý của vua. Và lẽ dĩ nhiên, đối tượng kết hôn của bọn họ chính là những cung nữ, nha hoàn trong cung.
Thực tế, cuộc sống của cung nữ trong cung cũng không tính là suôn sẻ, vì cung nữ trong cung rất nhiều. Chuyện cung nữ có địa vị thấp bị cung nữ có địa vị cao hơn bắt nạt là chuyện thường gặp, cho dù địa vị có cao đi nữa, thì cung nữ vẫn phải hầu hạ chủ nhân của mình, nếu gặp phải chủ tử không tốt, thì việc chịu đánh chịu mắng cũng chẳng hiếm gì.
Cũng có cả những cung nữ chết trong những góc không người nơi cung cấm. Vì suy cho cùng, cung điện to lớn nhường ấy, nào có ai quan tâm đến cuộc sống của mạng người bé nhỏ cơ chứ? Nếu được gả cho một thái giám có địa vị cao, thì có thể xem như là đã tìm được người ủng hộ mình giữa biển người.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tìm được thái giám để dựa dẫm thì mọi chuyện đều tốt, là bản thân sẽ sống không lo lắng muộn phiền gì cả. Bởi vì họ vẫn sẽ phải vào cung hầu hạ chủ nhân, đến khi quay về nhà còn phải hầu hạ cả thái giám, nếu gặp được một thái giám tính tình tốt thì còn xem như là may mắn.