Cách ly F0 tại nhà: 4 dấu hiệu bệnh nhân cần đến viện ngay để không nguy hiểm

16:01, Thứ năm 15/07/2021

( PHUNUTODAY ) - Trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục tăng cao, Việt Nam đang thí điểm cách ly f0 tại nhà, áp dụng tại TP. HCM.

Do số người nhiễm tăng cao tới hàng ngàn người một ngày, hệ thống y tế không đáp ứng được. Đồng thời, ưu tiên những người có tình trạng bệnh tiến triển nặng trước, TP. HCM đã cho áp dụng thí điểm cách ly f0 tại nhà.

Hiện tại theo thống kê, TP.HCM hiện có 6.500 giường điều trị cho bệnh nhân nCoV có triệu chứng (1.200 giường hồi sức bệnh nhân nặng, nguy kịch) và 30.000 giường dành cho bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ với tổng số gần 20 bệnh viện điều trị nCoV, bệnh viện dã chiến.

Trong khi tính từ ngày 27/4 đến nay, thành phố này đã ghi nhận tới 19405 ca mắc mới. Như vậy, với việc triển khai cách ly F0 tại nhà sẽ giảm tải cho hệ thống y tế rất nhiều.

Tuy nhiên, hình thức mới này cũng gây nhiều lo lắng, vì nhỡ bệnh tình chuyển biến nặng, không cấp cứu kịp có thể nguy hiểm.

15

Vậy F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu nào cần đến viện để không nguy hiểm tính mạng?

Ở nhiều quốc gia khác, tất cả F0 được cách ly tại nhà ngay khi phát hiện dương tính với nCoV và chỉ nhập viện trong trường hợp diễn biến nặng. Thế nhưng với Việt Nam, cách ly F0 tại nhà sẽ thận trọng hơn, với 3 trường hợp:

- Trường hợp đầu tiên: Nhân viên y tế nhiễm nCoV không triệu chứng được cách ly ngay tại nhà khi có kết quả dương tính.

- Trường hợp thứ 2: Bệnh nhân nCoV đang điều trị nhưng không có triệu chứng lâm sàng và có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) hoặc có tải lượng virus thấp (CT>=30). Với những trường hợp này sẽ được xuất viện vào ngày thứ 10 và về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày.

- Trường hợp thứ 3: Các trường hợp F0 mới phát hiện tại cộng đồng, không có triệu chứng được đưa vào cơ sở y tế theo dõi. Sau 24 giờ xét nghiệm lần 2, nếu như tải lượng virus thấp hoặc kết quả RT-PCR âm tính thì được cho về cách ly tại nhà.

Là chuyên gia thường xuyên hội chẩn bệnh nhân nặng cũng như tham gia xây dựng các phác đồ điều trị nCoV tại VN, BS CKII Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam đánh giá, cách làm của VN thận trọng hơn các nước một bậc để tránh rủi ro cho người bệnh và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Theo chuyên gia này thì trước đây do số lượng bệnh ít nên tất cả đều được chuyển vào viện, điều trung bình 2-3 tuần, thậm chí có ca kéo dài vài tháng. Nhưng nay tình hình đã thay đổi nên chiến lược điều trị cần điều chỉnh theo.

Và với việc triển khai cách ly F0 tại nhà, theo bác sĩ Hà sẽ giảm tải cho hệ thống thu dung, điều trị, hơn nữa còn tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân khi được sinh hoạt tại nhà.

“Nếu người bệnh không có triệu chứng, nằm tại bệnh viện cũng chỉ theo dõi thôi, không điều trị thuốc gì. Vì vậy mà nằm nhà khoẻ hơn nhiều. Trong bối cảnh đông bệnh nhân như hiện nay cần giải phóng nhanh giường bệnh, nếu như người không cần chăm sóc vẫn nằm viện sẽ ảnh hưởng nhiều người bệnh khác”, bác sĩ Hà phân tích.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc Việt Nam lựa chọn thời điểm sau 10 ngày, bởi vì ầu hết các ca mới mắc nCoV sẽ xuất hiện triệu chứng trong vòng 5-8 ngày đầu tiên, từ khi có triệu chứng qua 10 ngày sẽ sang thể nhẹ, không có nguy cơ nặng lên nhiều.

Trong thời điểm cách ly tại nhà, nếu F0 thấy xuất hiện triệu chứng như: thở nhanh, cảm giác khó thở, đau tức ngực, nhìn thấy màu da, niêm nhợt nhạt hơn so với bình thường... thì chính là cảnh báo bệnh trở nặng, cần báo ngay cho nhân viên y tế để được xử trí kịp thời. Đặc biệt, những F0 có cơ địa béo phì, người trên 65 tuổi, có bệnh nền (cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...) cần tự theo dõi sức khỏe sát sao hơn.

13

Khi cách ly tại nhà, điều quan trọng nhất là phải thực hiện tốt các biện pháp tránh lây nhiễm cho những người xung quanh, cụ thể:

- Thứ nhất: Người bệnh cần phải có phòng riêng, khép kín, thông gió và tuyệt đối không tiếp xúc gần với người thân.

Theo BS Hà, lựa chọn phòng cách ly F0 tại nhà riêng ở tầng cao là tốt nhất, mở cửa thông thoáng, sinh hoạt và ăn uống riêng. Nếu có điều kiện, có thể sơ tán bớt người trong nhà và chỉ để 1 người ở lại chăm sóc, cử người đã tiêm vắc xin ngừa nCoV là tốt nhất.

- Thứ 2: Người bệnh cần theo dõi sát sức khoẻ bản thân. Thực hiện đo nhiệt độ nhiều lần trong ngày, khi có dấu hiệu sốt tăng, tức ngực, ho khan, biểu hiện hô hấp, đếm nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút (người bình thường từ 16-18 lần/phút) cần báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

- Thứ 3: Hàng ngày người bệnh cần vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng, họng thông thường. Đồng thời uống nhiều nước, chia nhiều lần, có thể bổ sung vitamin C, vitamin tổng hợp.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo