Cảm thương hai mảnh khuyết cuộc đời ở trong túp lều rách nát

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ở chòi đất trống chênh vênh ven dòng kênh đen, chảy xiết ấy là cuộc sống ảm đạm, trầm buồn của hai mảnh khuyết cuộc đời bấp bênh.

Túp lều nhỏ tạm bợ được bà con hàng xóm thương tình dựng lên cho hai cha con cụ Sắn ở đó nhiều năm, nằm chênh vênh trên một chòi đất trống ven dòng kênh nước đen ngòm, chảy xiết khiến ai nấy chứng kiến đều phải chột dạ, thương cảm cho hai mảnh đời éo le, bất hạnh giữa nơi phồn hoa, đô thị.

Những người dân sinh sống ở tổ 30, phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) đã quen thuộc với hình ảnh một cụ ông tóc đã điểm sương, người gầy xọp, hom hem chỉ quanh quẩn ở túp lều nhỏ, hết đi ra, đi vào rồi lại vào giường nằm.

Ở chòi đất trống ấy là túp lều trú ngụ của hai mảnh đời bất hạnh vẫn từng ngày bấu víu, nương tựa vào nhau. Cụ Nguyễn Văn Sắn (76 tuổi, quê gốc ở Bắc Ninh) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lên Hà Nội kiếm sống đã ngót nghét gần hết đời người.

Khá gian nan để đi vào túp lều nhỏ ấy bởi nó nằm ven dòng kênh đang bị nước dưới chân bào mòn. Lúc chúng tôi đến chỉ có mình cụ ở nhà đang nằm trên chiếc giường ọp ẹp, quạt phe phẩy để khỏi bị muỗi đốt.

Mô tả ảnh.
Túp lều hai cha con cụ Sắn nằm trên chồi đất trống ven một con kênh nhỏ.

Cụ bảo: "Tầm này nó về rồi nhưng giờ vẫn chưa thấy. Tuổi già dễ hay đói lắm, mọi người bảo đi tìm nó về mà nấu ăn nhưng tôi biết tìm ở đâu. Đi cả đêm thế nhưng cũng chỉ kiếm được vài đồng bạc lẻ cũng không đủ cho miếng ăn hàng ngày".

Cụ Sắn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mấy anh em trong gia đình lại ly tán mỗi người một phương nên cụ sớm phải khăn gói từ biệt quê hương lên Hà Nội kiếm sống để nuôi bản thân mình. Làm lụng vất vả, hễ ai thuê gì cụ cũng không nề hà mà cũng chỉ đủ cho bữa ăn từng ngày.

Cuộc sống không ổn định như thế nên việc nghĩ đến có một mái ấm gia đình cũng là điều cụ Sắn chưa khi nào dám nghĩ tới. Hai tay chốc chốc lại vân vê khi nhớ lại chuyện lập gia đình với cụ Hoàng Thị Gái.

Cụ bảo mình may mắn có được vợ như câu chuyện tưởng như không bao giờ có thật. Cụ tếu táo, nhận mình như nhân vật Tràng trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân cùng quê.

Mô tả ảnh.
Cụ Sắn nghẹn ngào tâm sự về cuộc đời mình.

Hạnh phúc không có gì quý giá bằng khi vợ chồng sinh được hai người con trai là Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Văn Hồng. Cuộc sống vợ chồng trẻ mới lấy nhau nên cũng bộn bề khó khăn.

Những năm cụ Gái còn sống thì cuộc sống hai vợ chồng cũng trăm thứ khó khăn. Hàng ngày, hai vợ chồng cụ đi giã giò thuê cho người ta nhưng cũng chẳng đủ ăn cho 4 miệng ăn trong nhà.

Sau này, con trai cả Nguyễn Văn Tiến lập gia đình rồi ở riêng nên cụ ở với con trai út đến tận bây giờ. “Nhà nó ở gần đây thôi. Cuộc sống gia đình cũng không có gì nên thi thoảng mang cho hai bố con cũng chỉ mấy cân gạo, chút nước mắm, muối…”, cụ Sắn kể.

Trong túp lều nhỏ nằm chông chênh ven kênh ấy có một chiếc giường cũ kỹ, xập xệ. Thứ tài sản đáng giá nhất với hai bố con chỉ là đống quần áo hoen ố ngả màu thời gian, đống bát đĩa, nồi xoong nằm lỉnh kỉnh dọc ngang trên giường. Manh chiếu hai cha con cụ Sắn nằm đã ngả màu, đóng két vằn lên một màu đen tuyền, mớ chăn màn lâu ngày không giặt giũ, phơi phóng gì nên cũng bốc mùi khó chịu.

Gọi là lều cho sang chứ chỗ ở ấy được bà con sinh sống quen đó thương tình dựng lên tạm bợ cho hai cha con cụ Sắn được khoảng 3-4 năm nay rồi. “Chỉ sợ đêm gỗ sập xuống, ở thế này thì khổ lắm. Nhiều hôm mưa to, nước từ trên dột xuống từng giọt không có chỗ nằm ngủ. Hai cha con đành thức đến khi nào mưa tạnh rồi mới ngủ tiếp”, cụ Sắn tâm sự.

Mô tả ảnh.
Cảm thương cho số phận hai cha con, nhiều người dân đem chút thức ăn sang cho cụ Sắn.

Cụ Sắn cho hay, lều chật chội quá nên không thể mắc màn, bị muỗi đốt nhiều quá nên bèn lấy chăn đắp kín cả đầu lẫn chân. Cứ hễ hở ở đâu là nó đốt nhưng nhức, không tài nào ngủ được. Nhiều đêm vừa mới chợp mắt được tí thì thấy có con gì đốt roi rói sau lưng, chẳng rõ con gì nữa.

Câu chuyện với chúng tôi thi thoảng bị ngắt quãng, trùng xuống bởi tiếng ho húng hắng, khản đặc. Đôi mắt trầm ngâm, nhìn xa xăm xuống dòng nước chảy siết, đen ngòm, cụ Sắn bộc bạch: “Có cái xoong nồi vừa rồi bị nước cuốn trôi đi mất nên mấy hôm nay không có đồ để để nấu ăn. Mắt tôi kém lắm, việc ăn uống hàng ngày đều do con trai làm cả. Nhiều hôm nó đi đâu về muộn quá, bụng đói cồn cào mà không sao làm gì được. Thấy vậy, nhiều bà con sinh sống gần đây mang cho chút thức ăn, vài ba sợi mỳ nấu chín rồi ăn cho đỡ đói”.

Nhiều người dân sinh sống quanh đây, phần vì sợ đường đi lỡ may rơi xuống cống, phần thì e ngại không dám sang tận nơi mà cho thức ăn vào trong một cái túi bóng rồi ném sang đây.

Mô tả ảnh.
Chỗ nấu ăn hàng ngày của hai cha con cụ Sắn.

“Có tí thức ăn, mỡ thừa mọi người cho thì chuột mò đến đục khoét cả đêm, đành phải nhịn đói nếu con mình đi vá xe đạp chưa về”, giọng khàn khàn, rưng rưng cụ Sắn kể.

Họa hoằn lắm, bữa cơm hai cha con gọi là có tí tươm tất khi có vài miếng rau, một hai miếng đậu hay thức ăn thừa của một số bà con thương tình đem qua cho. Nhiều hôm người con út đang nấu cơm, mưa to quá nên củi không cháy được khiến gạo trong nồi còn sống nguyên xi, sống sượng nuốt không nổi.

Cụ Sắn cho biết thêm, việc vệ sinh cá nhân, ăn uống hàng ngày của hai cha con cũng phải xách can đi xin nước của mấy bà con gần đó để dùng. Con trai út ở với cụ là anh Hồng đều đặn hàng ngày vẫn đem vài ba thứ đồ nghề sửa xe đạp ra đường Giải Phóng kiếm vài đồng mưu sinh.

Giọng nói anh Hồng trùng xuống, mắt thâm quầng vì đi cả đêm: “Đi từ sáng hôm qua đến giờ mới kiếm được 20 nghìn, tí nữa chạy ra mua tí bún ăn cho đỡ đói. Làm nghề này được khoảng gần 20 năm rồi nhưng cũng chẳng ăn thua gì vì nhiều quán mọc lên quá. Nghe mọi người bảo tháng 11 này, họ vét nạo toàn bộ đoạn kênh này rồi xây kè nên chưa biết hai cha con sẽ ngủ ở chỗ nào nữa”.

Ngồi cạnh mép giường, giọng run rẩy, sụt sùi, khẽ đưa hai tay lên quệt dòng nước mắt vội vã đang rỉ khe khẽ trên hốc má. “Ở cái tuổi sắp gần đất xa trời rồi mà vẫn phải sống nay đây mai đó. Mình sống còn chẳng được bao lâu nữa, chỉ thương con út chưa lấy vợ gì cả. Lỡ mai này tôi “nằm đất” rồi, không biết nó sẽ sống thế nào….?”, cụ Sắn nghẹn ngào.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn