Cận cảnh loài rắn lục đuôi đỏ gây rúng động dư luận

09:00, Thứ năm 27/11/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Là loài cực độc trong số các loại rắn lục, rắn lục đuôi đỏ không đẻ trứng mà đẻ con, ít nhất mỗi lần đẻ khoảng 12 con.

Thời gian gần đây, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, liên tục cắn người và làm nhiều người phải nhập viện gây hoang mang.

Rắn lục đuôi đỏ là loài cực độc

Theo wikipedia, rắn lục đuôi đỏ (tên khoa học là Trimeresurus albolabris) thuộc họ Rắn lục (Viperidae), bộ Có vảy (Squamata).

Đây là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, với cân nặng khoảng 300gram. Tổng chiều dài con đực 600mm, chiều dài đuôi khoảng 120mm; tổng chiều dài con cái khoảng 810mm; chiều dài đuôi khoảng 130mm.

Mô tả ảnh.
Rắn lục đuôi đỏ là loài cực độc trong số các loại rắn lục.

Xét về mặt phân loại họ rắn và nọc độc, rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục chứa nọc độc gây rối loạn động máu và xuất huyết. Điều này khác với họ rắn hổ với nọc độc chủ yếu là chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Chỉ số gây chết trung bình của rắn lục đuôi đỏ (LD50), theo Josgeurts, là 0,37 mg/kg, độc hơn với nhiều loại rắn lục khác và độc không thua kém gì rắn hổ mang.

Tuy nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường tỉnh táo nhưng không phải vì thế mà nọc độc của rắn không ảnh hưởng mạnh.

Mô tả ảnh.
Thành phần chủ yếu của nọc độc rắn lục đuôi đỏ là chất Fibrinogenase và Haemorrhagin.

Chuyên trang Toxinology cho biết, thành phần chủ yếu của nọc độc rắn lục đuôi đỏ là chất Fibrinogenase và Haemorrhagin. Trong đó, Fibrinogenase là một chất chống đông máu khiến nạn nhân khó cầm được vết thương, còn chất Haemorrhagin có khả năng phá hủy các tế bào và thành mạch máu nhỏ gây ra xuất huyết và hoại tử. Nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn có thể bị tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Rắn lục đuôi đỏ đẻ con và vô cùng hung dữ

Đây cũng là loài đặc biệt trong họ hàng nhà rắn lục, vì chỉ có rắn lục đuôi đỏ là loại đẻ con, chúng không giống một số loài rắn khác ấp trứng mà sau khi trứng được thụ tinh thì ở lại ngay trong bụng rắn mẹ và quây thành bào thai riêng biệt như của loài thú.

Mô tả ảnh.
Bào thai rắn lục đuôi đỏ.

Theo Biosh.hku, quá trình mang thai của rắn lục đuôi đỏ kéo dài khoảng 2 tháng, sau đó sinh con. Trong thời gian mang thai, rắn mẹ vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc sinh con ra là lúc phần bụng chỗ hậu môn sẽ rách ra và toàn bộ số rắn con sẽ chui ra, lúc đó cũng là lúc kết thúc cuộc đời rắn mẹ.

Mỗi lần một con rắn cái có thể sản sinh ra 12 con non, mỗi con ngay khi sinh ra đã có chiều dài khoảng 15-20 cm. Lúc rắn mẹ mang thai, do cấu tạo đặc biệt, nọc độc của nó tập trung nhiều nhất và hung dữ nhất.

Mô tả ảnh.
Lúc rắn mẹ mang thai, do cấu tạo đặc biệt, nọc độc của nó tập trung nhiều nhất và hung dữ nhất.

Loài rắn này sinh sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực Tây bắc Việt Nam. Thị lực của rắn lục rất tốt vào ban đêm nhưng ngược lại ban ngày thì thị lực yếu. Loài này cũng không sợ người nên thường xuyên bò vào nhà dân trong thời gian gần đây. Để phòng ngừa bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân phải phát quang bụi rậm, hạn chế đi lại ở những vùng bụi cỏ ẩm ướt, tươi tốt, triệt tiêu những vùng sinh sống của rắn…

Mô tả ảnh.
Loài này cũng không sợ người nên thường xuyên bò vào nhà dân.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, người bị rắn lục cắn nên giữ bình tĩnh, nên được cố định bộ phận cơ thể có vết rắn cắn để tránh tình trạng độc tố của rắn truyền nhanh về tim, đồng thời với loại rắn này không nên băng garô vì dễ bị hoại tử và khi tháo garô cũng dễ làm cho chất độc ồ ạt lan đi toàn cơ thể. Đồng thời, không đắp lá, hút nọc theo cách dân gian và phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể.

Cả làng rủ nhau đi bắt rắn lục đuôi đỏ bán 20.000 đồng/con
Mỗi con rắn lục đuôi đỏ mà người dân phát hiện, giao nộp cho xã tiêu hủy sẽ được trả 20 nghìn đồng.
chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Phương anh