Cận cảnh máy bay Airbus A320 "đáp" xuống nước an toàn

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Máy bay AirAsia QZ8501 mất tích là một chiếc Airbus A320-200. Trong lịch sử hàng không thế giới, Airbus A320-200 từng "đáp" xuống nước an toàn.

Ngày 15/1/2009 đã đi vào lịch sử hàng không thế giới khi chiếc Airbus A320 của hãng hàng không US Airways đã hạ cánh hoàn hảo xuống dòng sông Hudson, New York, Mỹ vì sự cố động cơ. Khi máy bay va chạm với đàn ngỗng trời, cả hai động cơ của nó rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Sự cố khiến cơ trưởng Chesley B. Sullenberger quyết định hạ cánh máy bay xuống nước.

Cú hạ cánh thành công giúp cứu sống 155 hành khách và thành viên phi hành đoàn trong sự kiện được truyền thông gọi là “phép màu trên sông Hudson”. Tuy nhiên, các điều tra chuyên sâu khẳng định kinh nghiệm của cơ trưởng Sullenberger, người từng lái phản lực chiến đấu F-4 Phantom II đã cứu sống các hành khách. Ngoài ra, mẫu máy bay này cũng được thiết kế để chịu được cú va chạm có tính toán xuống nước.

Theo nhà sản xuất, Airbus A320 có cơ chế riêng biệt để đáp xuống nước. Khi phi công nhấn nút, nó sẽ đóng rất cả các khoang chứa dưới bụng nhằm hạn chế tối đa lượng nước tràn vào máy bay, ngăn phi cơ bị nhấn chìm. Trong khi đó hệ thống cửa thoát hiểm trên máy bay chính là những chiếc thuyền phao, giúp đảm bảo an toàn cho các hành khách khi xuống nước.

Máy bay Airbus A320-200 là loại phi cơ phổ thông của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Airbus của châu Âu. Đây là loại máy bay phản lực tầm trung, phù hợp với đường bay dưới 5 giờ liên tục, được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử và được nhiều hãng hàng không trên thế giới sử dụng.

Bắt đầu phát triển từ tháng 3 năm 1984, Airbus A320 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 22/2/1987, chính thức xuất xưởng vào năm 1988 để bán cho hãng hàng không Air France. Máy bay A320-200 có thể chuyên chở tối đa 180 hành khách (ghế hạng thương gia chiếm không quá 20 ghế) đối với các chuyến bay trong khu vực Châu Á và cũng là loại máy bay có khoang hành khách rộng nhất trong tất cả các loại máy bay một hành lang.

A320 là dòng máy bay đầu tiên áp dụng các hệ thống điều khiển máy bay bằng các giao diện kỹ thuật số kết hợp với hệ thống máy tính (fly-by-wire) thay cho hệ thống điều khiển máy bay bằng tay trước đây. Hệ thống này vẫn tiếp tục được phát triển và hoàn thiện cho tới hiện nay. Thay vì được truyền dẫn cơ khí (thủy lực), hệ thống fly-by-wire cho phép thao tác điều khiển của phi công được truyền tới cánh máy bay bằng các tín hiệu kỹ thuật số.

Ngoài ra, hệ thống fly-by-wire còn được hỗ trợ bởi máy tính. Điều này bảo đảm cho A320 hầu như không xảy ra trường hợp vượt quá các giới hạn hoạt động gây nguy hiểm như giới hạn hoạt động (G limits) và tốc độ làm việc của động cơ cũng như các giới hạn của bờ tiến của cánh (angle of attack limits). Hệ thống fly-by-wire làm cho tất cả các máy bay của Airbus đều có các đặc điểm tương tự nhau, từ đó giảm thiểu thời gian huấn luyện các phi công khi bay với nhiều loại máy bay khác nhau.

Một bộ phận không thể tách rời dòng máy bay A320 này là một bàn điều khiển điện tử được tích hợp 6 màn hình màu EFIS và một bộ điều khiển Side-Stick đột phá thay thế cho cần điều khiển cũ. A320 cũng sử dụng vật liệu composite với tỷ lệ tương đối cao so với các mẫu máy bay trước đó. A320 sử dụng một trong 2 động cơ là CFM International CFM56 hoặc động cơ International Aero Engines V2500.

Máy bay AirAsia mất tích: Hành khách vẫn còn cơ hội sống sót
Các chuyên gia cho biết nếu máy bay đáp xuống biển thì lực lượng cứu hộ vẫn có cơ hội tìm thấy người sống sót vì nhiệt độ nước biển khá ấm.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn