PGS Hồ Thị Kim Thanh – Trưởng Bộ môn Y học gia đình trường Đại học Y Hà Nội cho biết trong thời gian theo dõi và hỗ trợ điều trị Covid-19 tại Hà Nội, các bác sĩ nhận thấy cá F0 đều có tâm lý lo lắng, mất bình tĩnh khi biết mình bị bệnh. Theo PGS Thanh, tình hình dịch hiện nay khác giai đoạn trước, đa số người dân đã tiêm đủ 1 đến 3 mũi vắc xin do vậy diễn biến lâm sàng khi mắc Covid-19 cũng sẽ khác so với thời kỳ đầu. Vì vậy, việc hướng dẫn điều trị cũng có thay đổi. Người dân cần cập nhật hướng dẫn của giới chuyên môn.
Hiện gói thuốc điều trị cho F0 tại nhà được phân theo 3 nhóm (A, B, C) và được cơ quan y tế phát.
Tuy nhiên, PGS Thanh cho biết người dần cũng có thể tự mua trước gói thuốc A. Trong gói thuốc A là những nhóm thuốc cơ bản, không chỉ riêng F0 mà người bị cảm cúm thông thường cũng có thể sử dụng. Túi thuốc này mọi người có thể chuẩn bị sẵn và để ở tủ thuốc gia đình.
Gói thuốc A gồm những gì?
Gói thuốc A dùng để điều trị triệu chứng, không cần kê đơn. Người dân có thể tự chuẩn bị tại nhà đề phòng trường hợp trở thành F0 mà đơn vị y tế chưa kịp chuyển thuốc tới, chưa kịp đi mua.
Gói thuốc A bao gồm:
- Nhóm thuốc thứ nhất là thuốc giảm đau, hạ sốt, thường dùng Paracetamol. Trường hợp dị ứng với Paracetamol có thể dự trù thuốc hạ sốt khác. Liều dùng quy định theo liều đã hướng dẫn.
- Nhóm thứ hai là các vitamin để nâng cao sức khỏe cho người bệnh, tăng sức đề kháng chống lại virus. Các vitamin được sử dụng nhiều là vitamin nhóm B, D, kẽm. Người bệnh có thể uống vitamin tổng hợp để cung cấp đủ vitamin và các vi lượng khác cho cơ thể. Với nhóm vitamin này, người chưa nhiễm Covid-19 cũng có thể sử dụng. Nếu người đang điều trị bệnh lý khác có chống chỉ định vitamin nào thì sẽ phải tránh sử dụng vitamin đó.
- Nhóm thứ 3 là các nước bù điện giải, gói orezol. Trong trường hợp sốt cao, khát nước, tiêu chảy cần bù điện giải. Còn nếu không có triệu chứng này thì chỉ cần dùng nước lọc, nước trái cây tươi.
- Nhóm thứ 4 là nước muối sát trùng mũi, họng. Người bệnh nhẹ ở nhà, ít triệu chứng có thể bị ho, hắt hơi, kích ứng đường hô hấp. Khi đó, người bệnh nên rửa mũi, họng. Ngậm nước muối vào họng một vài giây giúp làm ẩm, làm sạch đường hô hấp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng một số dung dịch rửa mũi họng hàng ngày.
- Nhóm thứ 5 là các nhóm thuốc khác như thuốc ho, thuốc dạ dày. Nếu ho kích ứng, người bệnh có thể uống siro ho. Người bị kích ứng dạ dày do lo lắng có thể mua thêm uống giảm kích ứng dạ dày tại nhà.
Gói thuốc B
Đây là thuốc kháng viêm, kháng đông. Gồm 2 loại thuốc, nhóm 1 là Dexamethasol, là thuốc uống vào buổi sáng sau ăn vì nó có thể gây phù, giữ nước trên bệnh nhân đái tháo đường, làm tăng đường huyết; nhóm thuốc thứ 2 là thuốc kháng đông, là thuốc Apixaban 2,5 mg và Rivaroxaban 10mg, sử dụng buổi sáng. Thuốc này dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc kháng viêm giúp giảm cơn bão cytokine, giảm bớt tình trạng hình thành cục máu đông làm người bệnh trở nặng.
Với thuốc này, người bệnh chỉ sử dụng trong một giai đoạn, thời điểm nào đó khi điều trị bệnh nhưng phải có sự chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý sử dụng cho mình hoặc người thân.
Gói thuốc B chống chỉ định cho những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, suy gan, suy thận, người đang sử dụng các biện pháp điều trị dễ gây chảy máu, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Gói thuốc C
Đây là nhóm thuốc kháng virus đang thử nghiệm. Ví dụ, khi sử dụng thuốc Molnupiravir phải có sự giám sát của bác sĩ và sử dụng trong cơ sở y tế vì thuốc đang trong giai đoạn theo dõi. Những người đang bị viêm gan cấp, viêm tụy cấp, phụ nữ cho con bú... không được sử dụng thuốc này.