BS chỉ ra những vật dụng tối thiểu cần chuẩn bị, cách theo dõi sức khỏe nếu thành F0 điều trị tại nhà

( PHUNUTODAY ) - Để chuẩn bị cho việc điều trị tại nhà, F0 và các thành viên trong gia đình cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết và học cách theo dõi diễn biến sức khỏe mỗi ngày.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành có chia sẻ một số thông tin quan trọng mà mọi người cần biết để chuẩn bị cho việc nếu không may trở thành F0 và được cách ly, điều trị tại nhà.

Theo bác sĩ Bách, việc điều trị F0 tại nhà có 3 nhiệm vụ:

- Theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện các biểu hiện bệnh trở nặng;

- Nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, ổn định tâm lý của người nhiễm để tăng khả năng chống đỡ với bệnh;

- Bảo đảm chăm sóc an toàn, không để lây nhiễm cho những người sống cùng nhà và cộng đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các vật dụng tối thiểu cần chuẩn bị khi F0 điều trị tại nhà

- Khẩu trang y tế dùng 1 lần, lượng khẩu trang phải đủ dùng cho cả nhà 2-3 tuần.

- Găng tay y tế sạch, tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc F0 trong 2-3 tuần.

- Nhiệt kế (loại thủy ngân hoặc điện tử đều được), máy đo huyết áp.

- Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng để lót trong thùng.

- Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho F0 gồm bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy quần áo cá nhân.

- Các loại thuốc đang sử dụng cho người nhà có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, gút... với số lượng đủ dùng trong 30 ngày.

- Các thuốc và đơn thuốc của bác sĩ đối với F0 (nếu có).

Bác sĩ Bách cũng đưa ra lưu ý, khi trong nhà có F0 nghĩa là bạn và các thành viên khác cũng có thể đã nhiễm bệnh, vì vậy cũng phải cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Ngoài ra, không cần quá lo lắng về việc phải tích trữ nhiều thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình trong thời gian cách ly tại nhà.

Những việc cần chuẩn bị khi F0 điều trị tại nhà

Theo bác sĩ Bách, khi F0 được chăm sóc và điều trị tại nhà, chúng ta cần chuẩn bị một số việc sau:

- Lưu lại các số điện thoại như đường dây nóng phòng chống dịch, người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe của F0 và các số điện thoại cần thiết khác.

- Gia đình phải xác định và thống nhất về vùng không gian dành riêng cho F0.

- Phân công một người phù hợp để chăm sóc F0 (nếu cần).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà

Bác sĩ Bách cho rằng F0 cần điền đầy đủ thông tin vào Bảng theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Những dấu hiệu mà F0 cần theo dõi bao gồm:

- Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, độ bão hòa oxy trong máu - SpO2 (nếu có thể đo) và huyết áp (nếu có thể đo).

- Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo;

- Các triệu chứng khác như đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…

11 dấu hiệu nguy hiểm của F0, cần báo ngay cho nhân viên y tế

1. Khó thở, thở hụt hơi. Với trẻ nhỏ thì các dấu hiệu thở bất thường là thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào.

2. Nhịp thở tăng

- Người lớn: Nhịp thở lớn hơn hoặc bằng 21 lần/phút.

- Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Nhịp thở lớn hơn hoặc bằng 30 lần/phút.

- Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở lớn hơn hoặc bằng 40 lần/phút.

3. Độ bão hòa oxy trong máu SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo). Nếu phát hiện bất thường, người bệnh nên đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút. Khi đo cần giữ yên vị trí đo. Nếu có sơn móng tay, cần tẩy đi trước khi đo.

4. Mạch nhanh hơn 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút.

5. Huyết áp thấp: Huyết áp tối < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

6. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

7. Thay đổi ý thức như lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

8. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

9. Không thể uống. Đối với trẻ nhỏ là bú kém/giảm, ăn kém, nôn.

10. Trẻ có biểu hiện như sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...

11. Bất kỳ tình trạng nào mà bạn cảm thấy không ổn, lo lắng.

Khi gặp một trong những dấu hiệu trên đây, người bệnh hoặc người nhà cần báo ngay với nhân viên y tế phụ trách theo dõi sức khỏe của gia đình để được xử lý và chuyển viện kịp thời.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link