Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình: Đường lún nứt, thu về 100 tỷ

06:32, Thứ sáu 07/12/2012

( PHUNUTODAY ) - Ninh Bình phải theo dõi lún tới tháng 1/2013 mới có thể đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư đã xin đưa vào sử dụng sớm để tạo nguồn thu cho đơn vị.

Theo yêu cầu kỹ thuật, đoạn lún nứt trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải theo dõi lún tới tháng 1/2013 mới có thể đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư đã xin đưa vào sử dụng sớm để tạo thêm nguồn thu cho đơn vị.
[links()]
Theo số liệu từ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện nay lưu lượng ô tô lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khoảng 8.500 xe/ngày đêm, chủ yếu xe con, xe du lịch, xe khách.

Với lượng xe trên, mỗi ngày đêm đơn vị quản lý thu về khoảng 640-650 triệu đồng tiền phí sử dụng đường.

Những vết lún nứt, hư hỏng kéo dài trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau 5 tháng đưa vào sử dụng.
Những vết lún nứt, hư hỏng kéo dài trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau 5 tháng đưa vào sử dụng. Ảnh TPO.

Tuy nhiên, từ ngày thông xe tới nay (thông xe ngày 30/6/2012), lượng xe cũng không có thay đổi nhiều, thậm chí, sau khi Quốc lộ 1A (đoạn qua Hà Nam - Ninh Bình) được nâng cấp xong, một lượng xe tải đã chuyển sang lưu thông trên tuyến QL 1A.

Về sự cố lún sụt trên mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn qua xã Yên Hồng, Ý Yên, Nam Định), theo thông tin từ VEC, đơn vị này đã chỉ đạo nhà thầu thi công cho khắc phục xong vào tối 3/12.

Theo một đại diện của VEC, chi phí khắc phục, sửa chữa đoạn đường trên nằm trong chi phí của gói thầu, đơn vị thi công chịu trách nhiệm, vì đoạn đường này đang trong thời gian xử lý lún.

Một trong những lý do đưa đoạn đường vào sử dụng khi đang trong thời gian chờ lún (tới tháng 1/2013 mới hết thời gian chờ lún, lúc này mới được thi công hoàn thiện đường), theo VEC, là tạo nguồn thu cho đơn vị để giảm gánh nặng về tài chính trong việc huy động vốn để hoàn thành dự án.

Trong 5 tháng đưa vào sử dụng, tính bình quân mỗi ngày đêm thu về khoảng 645 triệu đồng, VEC đã thu được trên dưới 100 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên “đưa đường vào sử dụng khi chưa hoàn thiện dẫn tới hư hỏng, người dân nhìn vào đó đánh giá chất lượng không tốt, trong khi số phí thu được như vậy có đáng không?”

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: “Nói thế hơi quá, không nên. Chỉ nên nói việc hư hỏng chứng tỏ chất lượng cầu đường của mình thi công chưa tốt, ép tiến độ là một trong những sai lầm”.

“Chúng tôi không dám phê phán, việc này chỉ là cần rút kinh nghiệm. Lịch sử ở ta nhiều công trình chạy theo tiến độ nên nhận những hậu quả vô cùng đau đớn, trong xây dựng cơ bản không ai lường trước được, như bảo tàng Hà Nội…”, ông Liên dẫn chứng.

Cũng câu hỏi trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Đáng hay không thì khó nói. Nhưng tiền thu từ phí không được dùng vào việc sửa chữa hư hỏng ở đoạn đường chưa hoàn thành đó, kinh phí sửa chữa phải lấy từ vốn đầu tư của dự án”.

“Quan điểm của tôi là khi có đoạn đường chưa hoàn thiện, phương tiện qua lại khó khăn thì cũng chưa nên thu phí ở mức tối đa, chỉ thu ở mức vừa phải. Thậm chí, anh dùng phương tiện của tôi như một hình thức chất tải để chờ lún thì anh phải trả chi phí cho tôi. Làm như vậy mới bình đẳng giữa người đi đường và chủ đầu tư”, ông Hùng bày tỏ.

Hiện nay, mức phí phương tiện phải trả khi lưu thông trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bình quân là 1.500 đồng/km với xe quy chuẩn (xe con dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn).

Theo đó, mức phí thấp nhất (với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải khách công cộng) đi toàn tuyến là 70.000 đồng/lượt, đi chặng ngắn nhất (10km) là 15.000 đồng/lượt; mức phí cao nhất đi toàn tuyến (với xe container 40fit và xe tải có tải trọng trên 18 tấn) là 280.000 đồng/lượt, đi chặng ngắn nhất là 60.000 đồng/lượt.

Bộ trưởng Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm!

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội các khoá VIII, IX và X cho rằng:

Tất cả những vấn đề liên quan đến đường xá đều thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Nếu bị ép tiến độ mà làm ẩu thì bên giám sát (tức là Chủ đầu tư) phải chịu trách nhiệm.

Công trình thuộc Bộ Giao thông Vận tải thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, thuộc tỉnh nào thì người đứng đầu tỉnh đó phải chịu trách nhiệm… Nhà thầu chịu sự quản lý và giám sát của những người đứng đầu công trình nên đừng có đổi tội cho nhà thầu.

Đông Tẩu

  • Lê Việt
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc