Đất cha mẹ cho là tài sản riêng hay tài sản chung vợ chồng?
Đất cha mẹ cho riêng chồng
Pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành quy định nếu cha mẹ cho đất riêng cho chồng thì phần đất này được xác định là tài sản riêng của chồng.
Có nghĩa là người chồng có toàn quyền sử dụng, định đoạt phần đất đó chẳng hạn như cho, tặng, bán,... mà không cần có sự đồng ý của người vợ.
Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13 quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm:
- Tài sản của riêng mỗi người hình thành từ trước lúc kết hôn.
- Tài sản sau hôn nhân nhưng vợ, chồng được tặng cho hoặc thừa kế riêng.
- Tài sản được chia riêng của vợ hoặc chồng.
- Tài sản đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.
- Những tài sản khác thuộc về quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng.
Theo Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, tài sản khác thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng gồm:
- Tài sản sở hữu trí tuệ.
- Tài sản vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu riêng.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận (ưu đãi dành cho người có công với cách mạng).
- Quyền tài sản khác.
Toàn bộ tài sản được hình thành từ tài sản riêng cũng sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng. Các khoản hoa lợi, lợi tức sinh ra từ tài sản riêng của vợ, chồng được Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định là tài sản chung của vợ và chồng.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định cụ thể: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Vậy nên nếu cha mẹ cho đất riêng thì đây là tài sản riêng của người chồng.
Đất cha mẹ cho 2 vợ chồng
Nếu cha mẹ cho đất 2 vợ chồng thì đất này thuộc tài sản chung của cả 2. Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ, chồng gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng và thu nhập khác.
- Tài sản vợ, chồng thừa kế hoặc tặng cho chung và tài sản khác được thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn (trừ trường hợp được thừa kế, tặng cho riêng hoặc giao dịch bằng tài sản riêng).
Đã là tài sản chung của vợ chồng thì sẽ thuộc sở hữu chung hợp nhất, cả hai có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản chung. Trường hợp có tranh chấp mà các bên không có căn cứ chứng minh nguồn gốc tài sản là tài sản riêng thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Cho đất con trai không cho con dâu được không?
Hiện tại pháp luật không có quy định cấm cha mẹ chỉ cho đất con trai mà không cho con dâu.
Nếu như cha mẹ muốn tặng đất cho riêng con trai thì cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 167, 188 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 (sửa đổi bổ sung năm 2018 bởi Luật số 35/2018/QH14) như sau:
- Giấy tờ chứng minh cha mẹ là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất.
- Đất không có tranh chấp.
- Đất không nằm trong danh sách bị kê biên để thi hành án.
- Đất còn trong thời hạn sử dụng.
- Hợp đồng tặng cho đất giữa cha mẹ và người chồng phải được công chứng, chứng thực.
Con dâu có được hưởng chung quyền lợi nếu cha mẹ cho đất riêng con trai không?
Nếu như cha mẹ cho đất riêng người chồng thì đây là tài sản riêng của chồng. Người chồng có toàn quyền định đoạt phần đất đó và người vợ không được hưởng phần đất đó.
Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Người chồng được cha mẹ cho riêng mảnh đất nhưng nếu hai vợ chồng đồng thuận thì có thể làm thủ tục nhập phần đất vào tài sản chung của vợ, chồng. Khi đó, mảnh đất sẽ trở thành tài sản chung và vợ cũng như chồng đều có quyền hưởng phần đất đó theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Bên cạnh đó, theo Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, vợ chồng muốn chuyển đất từ tài sản riêng sang tài sản chung khi đất đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã được đăng ký thì phải thực hiện đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thỏa thuận.